Không phải ai có cái nồi, quả trứng và miếng thịt ba chỉ đều có thể làm ra món ramen ngon. Ngày nay có rất nhiều quán như vậy ở Sài Gòn. Nhìn vào tất cả đều mang màu sắc Nhật Bản xinh xắn, độc đáo, đặc biệt thích hợp cho việc chụp hình. Còn mì thực chất không hơn mì gõ mấy.
Đầu tiên, đành phải công nhận mì ramen thực chất chính là mì gõ phiên bản Nhật. Nếu bạn ở Tokyo, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, ramen là món ăn rẻ tiền bạn có thể tiếp cận. Các quán mì ramen dành cho công nhân, học sinh trung học nằm rải rác khắp nơi. Đôi khi chỉ là xe mì, quán nhỏ cắm cờ xung quanh chứ không có nổi bảng hiệu, nhưng luôn nóng hổi, thơm phức, chắc bụng. Những người lao động tay chân tan ca trễ cũng chỉ cần như thế. Vì vậy bạn đừng ngạc nhiên khi tô mì ramen trông có vẻ hơi… khổ. Sao nhiều mì, nhiều tinh bột thế, sao lát thịt có thể mỏng thế? Một trái trứng thôi sao?
Mì gõ khó xa hoa lắm.
Tuy nhiên, sau cùng người Nhật cũng biết cách nâng cấp món mì gõ của mình. Họ là bậc thầy trong việc làm phức tạp những thứ bình thường sau đó bán với giá trên trời. Điển hình như việc bò cần nghe nhạc, dạo chơi mỗi ngày.
Có những giải thưởng ramen hàng năm và việc đoạt giải là vinh dự rất lớn cho nhà hàng. Tất nhiên Michelin từng trao “sao” cho các quán mì ramen ở Nhật, nhưng người Nhật không quan tâm mấy bằng việc thắng giải địa phương của họ. Đọc đến đây, chắc hẳn các bạn sẽ thấy tiếc nuối khi Việt Nam không có giải thưởng mì gõ hàng năm và chúng ta sẽ xem xe mì nào sẽ đi vào huyền thoại… Trong lúc chờ đợi tổ chức nào đó sẽ mở ra cuộc thi này, hãy dạo một vòng xem tô mì gõ Nhật nào ngon nhất nhé!
Đầu tiên, đó phụ thuộc vào việc bạn muốn gì. Vì có nhiều loại ramen cơ bản khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, sẽ có vài điểm chung cần chú ý.
1. Kết cấu sợi mì ramen
Vì không có nhiều topping lắm nên mì gõ Nhật phụ thuộc rất nhiều vào sợi mì. Sợi ramen lý tưởng phải chắc, dai và có thể chịu được hương vị đậm đà của nước dùng. Để đạt được kết cấu này không dễ. Vì vậy khi vào đúng quán ngon, bạn luôn được ăn sợi mì tươi làm tại chỗ, rất dai và có độ giòn nhất định. Trường hợp vào quán tuyệt đẹp nhưng sợi mì quá nhão, quá mềm, đó là quán mì gõ chính hiệu.
2. Nước dùng trong ramen
Tất nhiên, nước dùng rất quan trọng. Đó có thể là đậm đà béo ngậy, sánh mịn hoặc trong trẻo thanh nhẹ cho đến thơm dày quyến rũ. Tùy thuộc vào loại ramen mà bạn muốn thưởng thức.
Làm cách nào để xác định nước dùng tốt nhất cho khẩu vị của mình?
Có một vài gợi ý:
Nếu bạn muốn một tô mì gõ thịnh soạn? Tonkotsu có thể là lựa chọn tốt nhất.
Tonkotsu xuất phát từ vùng Fukuoka, là loại mì ramen sền sệt, béo ngậy và phức tạp được chế biến từ xương heo hầm. Xương được nấu lâu đến nỗi phân hủy, tạo ra collagen làm cho nước có màu trắng đục như sữa. Vốn đã đậm đà, loại mì này còn được cho thêm thịt ba chỉ mềm kèm trứng ngâm rất lâu trong nước tương. Tất cả làm nên một tổng thể chắc chắn, hài hòa, thuyết phục.
Với tonkotsu ramen, Sloth bình chọn Danbo là quán ngon nhất. Bạn cũng có thể dùng kèm món gà chiên tuyệt vời của họ. Danbo cho phép bạn chọn 3 cấp độ của vị mặn, độ dai của sợi mì, độ cay, mức hành lá… Một chi tiết nhỏ nữa nhưng nên được đánh giá cao, Danbo có hẳn lọ dây buộc tóc cho các bạn nữ khi ăn mì. Ngoài ra, việc đoạt giải nhất về ramen ngay chính tại quê hương Fukuoka chứng minh rằng họ hẳn là bậc thầy về tonkotsu ramen.
Trường hợp bạn muốn loại mì gõ nhẹ nhàng hơn, hãy thử Shio ramen.
Shio ramen được nêm với muối biển và nước dùng làm từ hải sản hoặc gà. Loại mì ramen này có hương vị nhẹ hơn, ít chất béo nhưng lại là loại mì mặn nhất. Ramen shio không có nhiều quán ở Sài Gòn, tuy nhiên muốn thử, bạn có thể đến Mutahiro. Vì chuẩn thanh đạm, phiên bản mì shio rau củ thuần chay rất được ưu chuộng ngay cả ở Nhật, phù hợp cho các bạn ăn kiêng.
Bạn thích gì đó thơm hơn? Có thể bạn phù hợp với nước dùng Miso?
Đúng như tên gọi của nó, miso ramen có hương vị từ tương đậu nành lên men miso cùng nước hầm gà. Loại mì này có nền dày, vị umami đậm đà, sắc nét dễ chịu. Ngoài thịt và trứng, miso ramen có thêm chả cá ở phần topping. Nó cũng có thể gồm nhiều thành phần khác như bắp, hành tây, giá, thịt heo xay, bắp cải, hạt mè, tiêu trắng, ớt, tỏi băm nhỏ… Ở Nhật, miso ramen là loại mì gõ rẻ nhất. Ăn nó ở đâu trong Sài Gòn?
Trước kia, có anh Nhật nghèo từng mở một quán nhỏ lụp xụp ở khu Thái Văn Lung, quán tên Fukuroya chuyên phục vụ ramen miso. Nhưng sau dịch quán đóng cửa và đến nay Sloth không có gợi ý nào đủ tốt dành cho các bạn nữa.
Cuối cùng là hương vị ramen truyền thống – Shoyu
Đây là loại ramen phổ biến nhất Nhật Bản. Shoyu ramen có nước dùng trong, màu nâu với nước luộc gà hoặc rau củ và nước tương. Trên thực tế, “shoyu” có nghĩa là “nước tương” trong tiếng Nhật, mang lại hương vị mặn vừa phải cùng mùi thơm dễ chịu.
Có nhiều biến thể ramen này, chẳng hạn như mì sợi thẳng thay vì sợi xoăn, thịt bò thái lát thay cho thịt heo, thêm dầu ớt và các loại gia vị Trung Quốc khác.
Ở Sài Gòn, bạn có thể thử shoyu ramen ở Tomidaya, tiếng Việt có thể gọi nôm na là: Tô Mì Đây Ạ!
Giờ bạn đã biết nên tìm loại mì gõ Nhật nào cho mình rồi chứ?
Trong lúc chờ đợi giải mì gõ Việt Nam và tìm ra chiếc xe huyền thoại, bạn có thể thưởng thức mì gõ Nhật Bản (tuy giá hơi mắc nếu đem so sánh) theo các gợi ý của Sloth và tìm ra phiên bản hợp nhất đối với mình. Chúc ngon miệng!