Rất nhiều người tự tin với siêu xe, nguyên cây hàng hiệu của mình đến mức định hình bản thân họ. Những thương hiệu cao cấp tạo nên sức mạnh kỳ lạ. Tuy nhiên, hãy nhìn Onitsuka, đôi giày Nhật bình thường, giá phải chăng nhưng những ai mang nó đều tự hào kín đáo về vẻ đẹp êm ái dưới chân. Cho dù bên cạnh, bạn khoe khoang hàng hiệu trăm triệu, chủ nhân Onitsuka vẫn tự tin với đôi giày yêu quý của mình. Sức mạnh kiêu hãnh này còn kỳ lạ hơn. Lại một lần nữa, người Nhật là bậc thầy. Cách họ làm điều đó thật tự nhiên.
Khiêm tốn và tôn trọng
Không chỉ có Onitsuka, Uniqlo cũng là trường hợp tương tự, mọi người mặc và tự hào.
Có một văn hóa quan trọng trong xã hội Nhật: phải khiêm tốn và tôn trọng người đối diện. Kiểu như bạn đi đến công ty khách hàng, khách đeo đồng hồ Swatch mà bạn lại diện chiếc Rolex lấp lánh, liên tục giơ tay chỉ trỏ thì thật thảm họa. Vì vậy, sau cùng người Nhật chọn những thứ trung tính như Uniqlo hay Muji, không có gì đặc biệt nhưng yên tâm về sự trang trọng, chỉn chu.
Chuyện dễ hiểu hơn khi nói theo cách này: trong truyện Doraemon, ba mẹ Nobita xúng xính Chanel nguyên cây đến gặp thầy giáo đáng kính sơ mi trắng giản dị vì thành tích học hành bết bát của con. Rõ ràng não ít nếp nhăn là do di truyền.
Xem trọng khả năng
Trước kia, xã hội Nhật tôn trọng Samurai vì những anh này lãnh trọng trách, phải chết phơi bụng nếu thất bại. Samurai ở trên đỉnh.
Quy tắc này dường như được duy trì cho đến ngày nay. Trong công ty Nhật hiện đại, các kỹ sư trong vai Samurai. Những người khác ngay cả chủ tịch hay giám đốc điều hành cũng chỉ là Geisha mà thôi (trừ khi họ cũng xuất thân từ kỹ sư). Người có kỹ năng mới được tôn trọng cho dù kỹ năng đó là công nghệ, làm bếp, thợ mộc… Nếu bạn nói bố mình là ai, nhà bạn to như thế nào, không ai quan tâm. Nhưng nếu bạn giới thiệu mình là họa sĩ hentai chẳng hạn, mọi người sẽ trầm trồ: Ôiiii… tài năng!!!
Chiếc áo không làm nên thầy tu, vì vậy hãy lo tu, đừng đi tìm áo, Uniqlo quá tốt rồi.
Nhật Bản và cách nhìn khác về giàu có
Tương tự, bạn có thể nghe nói đến tay đua Nhật, nhạc sĩ Nhật, diễn viên Nhật… nhưng chưa bao giờ thấy tỷ phú Nhật. Xã hội này không đánh giá cao sự giàu sang. Càng không có chuyện giàu có nhàn rỗi, tự do tài chính nhông nhổng đi đánh Pickleball… Vì vậy, sang trọng cũng không để làm gì. Mọi người đều làm việc chăm chỉ như nhau, ngày về hưu là một ngày thảm họa. Các thương hiệu cao cấp của họ như Lexus, Infiniti thường bán ở nước ngoài. Bên trong Nhật Bản, hãng Muji từng kết hợp với Nissan làm ra chiếc xe căn bản đến mức không có logo.
Câu chuyện Marketing của Nhật
Có ba mức độ trong việc xây dựng sản phẩm thường bị hiểu lầm ở Việt Nam.
Thế giới Âu Mĩ tạo ra sản phẩm hoàn hảo, kèm theo câu chuyện tuyệt đẹp rồi bán. Tuy vậy, thật sai lầm khi cho rằng cao cấp nằm ở câu chuyện. Bạn có thể mua một chiếc Porsche vì nguồn cảm hứng mà không cần biết xe của bạn có thể làm gì. Nhưng đừng quên rằng chiếc Porsche luôn có thể làm bất cứ điều gì.
Người Việt vì những hạn chế công nghệ, thông thường tập trung vào câu chuyện tuyệt đẹp. Đôi khi sản phẩm bị khuyết tật nhưng đó vẫn là một khuyết tật lãng mạn.
Người Nhật ngược lại, làm ra những thứ hoàn hảo đến từng chi tiết và bán. Câu chuyện đơn giản chỉ có vậy. Họ không chuộng trang phục sang trọng, không bày ra những sản phẩm “có tính tuyên bố”. Nhưng sau cùng, cả thế giới đều ưa chuộng.
Ngày nay, khi chúng ta ra đường, toàn xe Nhật. Bước vào siêu thị, toàn hàng hóa Nhật… Trải qua thời gian, đó là cách người Nhật làm cho khách hàng yên tâm, thoải mái khi sử dụng thương hiệu truyền thống của họ. Công bằng mà nói, mặc dù đó là quốc gia có nền kinh tế tư bản, nhưng con người lại đi theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa hơn bao giờ hết. Cuối cùng, thành tựu họ tạo ra thật khó nhằn, khó theo kịp: mang một đôi giày, mặc một chiếc áo rẻ tiền nhưng vẫn cảm thấy tự hào. Nghe thì dễ nhưng làm thì không.
