Thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mạng hình ảnh những biển số nhà với sự phức tạp cùng độ dài tương đương một dòng code. Điều này mang đến ngạc nhiên thú vị cho những ai chưa từng trải nghiệm. Còn đối với cánh shipper, thật là ngán ngẩm.
Thế nhưng đó không phải tất cả. Những con số yên lặng trước cửa nhà có liên hệ mật thiết với chủ nhà cùng như chức năng đặc biệt khác.
Trước đây khi dân số còn ít, những ngôi nhà ở trên các mảnh đất rộng lớn, cách xa nhau thì biển số nhà không thật sự cần thiết. Thay vào đó mọi người sẽ đặt tên cho khu nhà của riêng mình. Cảm hứng từ việc đặt tên thường đến từ thiên nhiên xung quanh nhà, một thành viên trong gia đình, công việc của chủ nhà...
Ở những vùng quê Việt Nam, hầu như mọi người không dùng số. Muốn tìm nhà, bạn bắt buộc phải biết tên hoặc công việc của người đó, các thành viên khác trong gia đình hay ít nhất một thói quen. Ví dụ: Cho hỏi nhà bà Tám bán bánh mì, anh Hai con chú Thành, ông Bảy - cái ông hay bị bà Bảy rượt đánh... chẳng hạn. Và những người đưa thư địa phương biết hết tất cả những chuyện bí mật đó.
Việc đánh số nhà thực tế mới chỉ được áp dụng gần đây, tức vào khoảng cuối thế kỉ 18. Hầu hết sẽ dựa trên hệ thống chẵn lẻ Châu Âu hay còn gọi hệ thống Paris, có thể hiểu đơn giản số chẵn sẽ nằm một bên và số lẻ ở phía còn lại. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên được Pháp áp dụng điều này và còn tồn tại cho đến ngày nay.
Lúc bấy giờ để thuận tiện hơn trong việc quy hoạch Sài Gòn, người Pháp đã chọn sông Sài Gòn làm gốc trong việc đánh số nhà. Nghĩa là số 1 sẽ nằm gần sông nhất và cứ thế tăng dần. Quy tắc này vẫn còn được giữ tới bây giờ. Nếu nhìn vào số nhà trên đường Đồng Khởi bạn sẽ thấy điều đó. Con đường bắt đầu từ nhà thờ Đức Bà nhưng đó lại là số lớn nhất. Vậy là những con số lúc này đã không còn im lặng nữa, nó lên tiếng giúp bạn dễ dàng định hướng hơn trong khi vẫn tập trung tận hưởng việc lái xe mà không cần lắm đến Google map.
Mặc dù hệ thống chẵn lẻ Châu Âu khá phổ biến nhưng cũng có vẫn ngoại lệ. Nếu như những biển số nhà ở Nguyễn Văn Quá quận 12 hay Nhà Bè đôi khi khiến các shipper bối rối đến bất lực thì bên phía Nhật Bản còn đáng sợ hơn rất nhiều. Đã từng có những trường hợp được kể lại rằng không thể tìm ra địa chỉ ngay trong chính khu phố mình sinh sống. Bởi lẽ hầu hết những con đường tại đây không có tên, từng khu nhà sẽ được đánh số và chia thành nhiều phần nhỏ phức tạp, số nhà cũng không được đánh theo thứ tự thực tế mà dựa trên thứ tự xây dựng. Google map tại đây khá vô dụng, bạn phải sử dụng những ứng dụng địa phương khác, đó cũng là lý do tại sao bạn sẽ thấy bản đồ được dán rất nhiều ở các góc phố.
Nhưng...
... điều đặc biệt và hấp dẫn hơn cả chính là cách mọi người biến những con số treo trước nhà trở nên đặc biệt hơn. Đó dường như một phần tình cảm cho mái ấm thân thương, niềm tự hào nho nhỏ cho mọi người khi đến chơi nhà, hay chỉ đơn giản tạo nên thêm chút vui vẻ cho mình mỗi khi bước về đến cổng.
Hãy cùng xem mọi người yêu quý biển số nhà như thế nào nhé!
Giờ đây có lẽ bạn đã có ý tưởng cho biển số nhà của mình rồi phải không nào? Hãy thử xem sau khi trang trí, bạn sẽ thấy mọi thứ thay đổi như thế nào nhé.
Tác giả: Shipper vui tính