Phần 1: Thế giới Nhật
Những trải nghiệm kỳ lạ nối tiếp theo nhau từ khi chân ướt chân ráo mới ra trường cho đến lúc lão luyện, một người Việt Nam đã shock như thế nào khi bắt đầu ở môi trường làm việc khác biệt nhất thế giới…
Buổi phỏng vấn đầu tiên
Thật hồi hộp, buổi phỏng vấn cuối cùng sau khi đã vượt qua mấy vòng thi. Mọi thứ diễn ra trong khách sạn 5 sao chứ không phải văn phòng công ty. Ngồi nhìn hàng dài ban giám khảo trịnh trọng trước mặt cảm thấy mình thật nhỏ bé.
Giám khảo đông nhưng chỉ một người hỏi, những người còn lại không tỏ cảm xúc gì, thỉnh thoảng cười nhẹ hoặc ghi chép. Sau này mới biết rằng tất cả đều được chấm điểm, từ dáng ngồi, cách trả lời, ánh mắt… cho đến cả khi đứng dậy ra về có xếp ghế lại ngay ngắn hay không.
Một tuần sau công ty báo đậu. Mừng khôn tả. Đây không phải công việc bình thường. Trở thành người thiết kế xe cho Honda R&D khu vực Đông Nam Á, quá dữ, rất ít người làm được điều này… Xuất sắc!
Công ty Nhật đầu tiên và những ngày đầu tiên
Làm việc xa nhà. Xe công ty đón ở khách sạn 6 giờ 38 phút mỗi ngày chứ không phải 40 hay 35. Khái niệm giờ của người Nhật tính theo phút.
Đó là một văn phòng bảo mật cao. Chỉ 10 người được vào nơi làm việc chính, 4 người thiết kế sau cùng đi tiếp đến vực rộng lớn kín đáo còn lại, phòng Design.
Buổi sáng, đúng 10 giờ cho dù đang bận rộn hay dở tay đều phải đứng dậy, đó là giờ uống trà kéo dài 10 phút. Buổi chiều 3 giờ lại uống trà. Đôi khi có cả bánh ngọt Nhật với bao bì rất đẹp nhưng chất lượng hơi… phò.
Những ngày sau mới biết công ty không cho phép dùng điện thoại di động trong giờ làm việc, internet cũng vậy. Sếp nói: “Mày phải kiu bạn bè, gia đình đừng gọi hay nhắn tin trong lúc mày đang làm việc.” OK.Fine. Người ta đã xa nhà…
Cách làm việc ở đây thật khoa học. Ai cũng phải dán phác thảo của mình lên tường sau khi hoàn thành để mọi người có thể học hỏi lẫn nhau. Tất cả thủ công hơn tưởng tượng, văn phòng thiết kế xe của Honda nhưng chỉ toàn bút chì, chì màu và đất sét. Không có những mô hình 3D quay quay chóng mặt hoặc cánh tay máy quơ quơ… Toàn tay người vẽ muốn chuột rút.
Tuần sau đó công ty vệ sinh máy lạnh. Những người thiết kế cao quý mất nửa ngày hì hục dùng tấm bạt che hết các mô hình, dán giấy phủ tất cả bản vẽ trên tường lại. Ôi sao lại phác thảo nhiều thế cơ chứ. Sau đó cả tiếng đồng hồ nữa để tháo ra, xếp lại ngay ngắn…
Lần overtime đầu tiên
Hai chàng trai đẹp trai miền Nam ngày nào cũng đúng bon kéo nhau ra xe công ty chở về. Hồn nhiên như cô tiên ngày này qua ngày khác.
Hôm đó có việc quan trọng, sếp cần bay trong sáng mai, về văn phòng chính để trình bày các thiết kế cho thị trường Việt Nam. Đành ở lại chuẩn bị bản vẽ, file… Đến khoảng 8 giờ tối, cửa phòng xịch mở. Thót tim tưởng bị xã hội đen bên Yamaha sang đánh.
Một phái đoàn kéo tới, Tổng giám đốc, trưởng đại diện vùng, phó này phó kia… gần chục người đứng ngay ngắn trước mặt. Ông sếp trực tiếp trịnh trọng giới thiệu từng bác sau đó nhỏ nhẹ:
- Đây là lần đầu tiên hai em ở lại overtime giúp đỡ công ty, công ty rất cám ơn tấm lòng của các em… Các em thật cao quý… Hai ba, lạy nào!!
Cả phái đoàn cúi lạy, không kịp xá đáp lễ.
Từ đó trở đi, ngày nào cũng overtime, trừ cuối tuần, 9 giờ tối mới về đến khách sạn. Ăn uống tắm rửa xong 10 giờ lên giường mệt nhoài. Ôi phải chi lúc ấy nhanh nhảu lạy mấy phát trả lễ cho xong…
Những khác biệt đầu tiên
Công ty hơi cám lợn, muốn dùng internet cũng không được. Đem chuyện này nói sếp:
- Dạ em còn nhỏ, em chưa biết nhiều, em muốn nhìn thấy thế giới và học hỏi.
Sếp nói:
- Mày là người thiết kế của Honda, mày phải dùng kinh nghiệm và kỹ năng của mày, thế giới phải học hỏi mày và mày phải định hình xu hướng. Mày không phải học ai, khỏi internet.
Giời ạ, em kinh khủng thế sao?
Lần khác, sếp thân tình thân mật hỏi han này kia. Được lời như cởi tấm lòng, than thở một hồi: làm việc mệt quá, chán quá, buồn quá, nhớ nhà quá…
Người sếp chẳng có chút cảm thông:
- Mày làm cho Honda là mày phải sống trong thế giới của Honda. Mày phải tìm thấy hạnh phúc khi sản phẩm của mày làm ra được người Việt chào đó… blah blah…
Một hồi dài và chẳng hiểu gì hết. Mười năm sau đó, vô tình đọc một tài liệu văn hóa mới biết ông sếp cố truyền đạt cho về Ikigai. Muốn khóc, nhớ người sếp khắc nghiệt…
Cả những chuyện sau này nữa, sếp già nói: “Sau này mày không còn làm cho Honda nữa, mày sẽ nhận ra đã từng ở đây mày sẽ lợi thế hơn người khác thế nào…”
Lúc đó, tâm trí non nớt nghĩ thầm: Trời. Người Nhật nổ dữ!
Có những chuyện để hiểu được, người ta cần chút thời gian.
Phần 2: Ra đi kiểu Nhật:
Phần 3: Một thế giới Nhật lầy lội khác ở Việt Nam: