Đi làm và những lời nói dối buồn cười

Đôi lúc sự thật khó nói đến nỗi người ta đành chuyển sang sự… không thật. Một nhân viên cẩu thả và mau quên có thể làm bà ngoại chết hai lần trong năm hoặc tắc nghẽn giao thông cả một đại lộ ngày này qua tháng nọ…

Đi làm và những lời nói dối buồn cười

Đây là những lời nói dối phổ biến nhất chúng ta thường gặp. Thông thường, chúng vô hại, mọi người đều biết và chấp nhận hoàn cảnh trái ngang của người đồng nghiệp kém may mắn.

Em kẹt xe

Câu này quen thuộc trong trường hợp trễ hẹn, trễ họp, trễ giờ. Tất nhiên đường sá Sài Gòn rất nhộn nhịp, nhưng ngày nào em cũng kẹt thì hơi quá. Dù vậy, thật khó để nghe: em muốn ngủ thêm tí cho đã, em thích nướng, nó sướngggg…

Thôi, kẹt xe dù sao cũng có tình người hơn. 

Đi làm và những lời nói dối buồn cười
Ảnh: Annie SprattOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Em đau bụng

Vài sự việc không nên xảy ra quá thường xuyên, ví dụ như đau bụng. Nhân viên nữ có thể gặp sự cố này hàng tháng nhưng một nhân viên nam phải sáng tạo hơn. Còn nhiều bộ phận khác chưa dùng đến như đường tiết niệu, lá lách, ruột già… Sẽ không ai hỏi lại vì sao em hay đau bụng, đó là bụng của em. Tuy nhiên, khi đau bụng lặp lại nhàm chán, có thể ngầm hiểu như em cần nghỉ ngơi hoặc em không thích công việc mấy.

Máy tính em bị gì…

Trừ khi công ty giao cho em chiếc laptop quá cùi bắp và nó bị gì thường xuyên. Còn không, chỉ là do em bị quên thôi. Nhưng “máy tính bị gì” nghe êm ái hơn “em bị quên”, lựa chọn sau quá phũ phàng.

Đi làm và những lời nói dối buồn cười
Ảnh: Kaitlyn BakerOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Em không biết, em tưởng…

…anh đã làm cái này cho em rồi. 

…em tưởng tuần sau mới là deadline…

Trí tưởng tượng của con người thật phong phú. Nhưng nếu nói thẳng “Em lười làm cái này” lại quá shock. Chúng ta cùng tưởng tượng với nhau và cố gắng thêm chút vậy.

Em đã từng…

…học ở đại học Stanford.

…làm ở Google Châu Á Thái Bình Dương…

Trong những tưởng tượng của con người, đây là tưởng tượng buồn cười nhất. Em có thể nói dối về việc biết lái máy bay, leo lên đỉnh Everest… nhưng đừng nói dối về công việc hay trình độ. Vì công việc xảy ra hằng ngày và em không thể giải quyết bằng đau bụng, máy tính bị gì hay kẹt xe mãi. Trình độ cũng vậy, nó được phản ánh bằng những thứ em chưa tưởng tượng nổi, vì em có thật sự học qua đâu?

Em đang làm

Câu này được dùng khi deadline gần đến hoặc đã đến. Ý nghĩa của nó là: Chết cha em quên mất.

Đi làm và những lời nói dối buồn cười
Ảnh: Vitaly GarievOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Việc quên điều gì đó là bình thường. Nó giống như một tai nạn vậy. Trong vô số điều cần giải quyết, em quên đúng việc quan trọng anh giao. Nhưng khi nghe em đang làm, anh sẽ yên tâm hơn và em đang cố sống cố chết làm cho kịp đây.

Những lời nói dối chỉ xảy ra một lần

“Em đi khám bệnh, em đi chứng giấy tờ…” rồi sau đó em xin nghỉ luôn. 

Nhưng lời nói dối này tránh làm tổn thương cảm xúc của sếp hoặc đồng nghiệp. Dù sao, thật shock khi nhận được câu xin phép kiểu: Cho em nghỉ nửa ngày em đi phỏng vấn.

Thà em cứ nói dối dù nói dối làm tim tan nát.

Đi làm và những lời nói dối buồn cười
Ảnh: Andrew NeelOpen in new tab | UnsplashOpen in new tab

Khoa học thống kê rằng nói dối thường xảy ra nhiều nhất vào thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần, khi mọi người dường như vẫn còn kiệt sức và cố gắng kéo dài thời gian nghỉ ngơi thêm tí nữa. 

Thật ra, điểm mấu chốt của những lời nói dối công sở là dành cho người nghe. Đôi khi, sự thật được hiểu bằng một sự... kém thật khác sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ở phía người hay dùng cách này, bạn nên hiểu rằng không phải bên kia không biết, chỉ là họ không muốn nói mà thôi. Họ cũng hiểu rằng kém thật đi một chút sẽ giúp bạn... tự nhiên hơn.