Phần 3: Một thế giới Nhật khác ở Việt Nam
Người Nhật khi ở Nhật, họ rất Nhật. Khi sang Việt Nam, họ bắt đầu Việt Nam hơn, hoặc những gì bên trong chưa từng thấy sẽ bộc lộ. Ví dụ như chuyện xin ăn. Ở Tokyo không bao giờ có chuyện một đồng nghiệp kiểu “cho tao miếng được iii” rồi vô tư xúc đồ ăn trong hộp người khác như vậy. Nhưng Nhật ở Việt Nam lâu sẽ làm thế, họ thường xin thịt kho trứng, canh khổ qua, thậm chí trái ớt. Và họ rất lầy…
Công ty Nhật ở Việt Nam
Đó là một tập đoàn thuộc dạng worldwide chứ không nhỏ. Mọi người thân thiện, hòa nhã. Chỉ có thú vui hơi lạ: thích đánh bài. Đánh nhỏ thôi, nhưng đầy đam mê, rôm rả.Thông thường, phong trào sẽ rộ lên lúc gần Tết cho đến vài tháng sau Tết, nhưng cũng có khi theo cảm hứng nữa. Sếp biết chuyện này không?
Có lần, sếp đi qua khách hàng, ở nhà những nhân viên mẫn cán bắt đầu bày bài ra, có hai ba tụ cùng lúc. Bỗng nhiên sếp thù lù quay lại sau 15 phút, khác hẳn những lần trước. Những nhân vật cộm cán cười tẽn tò. Cứ tưởng mọi người sẽ ụp vội chạy vù về bàn làm việc, nhưng anh Account nói: “Đánh hết ván này thôi nhe”. Sếp đi qua nhìn cười cười rồi vào phòng. Ôi trời, công ty Nhật đây sao???
Trong văn phòng cũng có vài người Nhật khác, nhưng người Việt không quan tâm. Chặt heo!!!
Cao điểm, lần đánh trong phòng kế toán, chị CFO có điện thoại bàn gọi đến, xòe mấy chục lá trên tay, thay vì nói “A lô”, chị nói thẳng: “Bồi đầm già”. Mọi người bò ra cười.
Người Nhật ở Việt Nam
Anh K
Anh K là Creative Director, anh sống ở Việt Nam nhiều năm. Anh K thậm chí mua áo gió từ Đà Lạt về bán lại cho dân Sài Gòn. Anh ấy thích uống bia sau giờ làm việc, uống một mình, khu Thi Sách.
Chỉ có điều, sau khi uống say, anh K không về nhà thuê (có thể do chủ đóng cửa sớm), anh ấy quay về văn phòng ngủ. Khi ngủ, anh K lại hơi đơn sơ. Một ngày nọ, khi phòng creative đã đến khá đông đủ, anh K vẫn còn bán khỏa thân ngủ trong phòng. Ai nấy ngại quá đứng hết phía ngoài chờ. Đến khi bác CEO bước vào phòng, gõ nhẹ lên tấm lưng trần đầy những nốt đỏ của anh K: “K sàn”, anh K lúc này giật bắn người, ngồi dậy xổ một tràng tiếng Nhật rồi đi đánh răng, rửa mặt.
Em N
Em N là một chàng trai trẻ dễ thương vui tính. Có lần em ấy tâm sự: “Mẹ em nói qua Việt Nam làm rồi đừng rước con nhỏ Việt Nam nào về nhe”. Giật mình hỏi lại “Ủa ủa?”. Em N thật thà: “Mẹ em là người nhà quê, mẹ em chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng hết nên mẹ em chỉ muốn em cưới người ở làng hoặc người Nhật”. Nghe câu chuyện quen quá, y như một người mẹ Huế hay mẹ Bắc.
Em N hay mặc chiếc quần mỏng, đáy quần chạm đất. Một ngày nọ, admin gọi lên phòng, kêu về khuyên nhủ staff, em N, nên mặc quần lót khi đi làm. Ủa???!!!! Nhưng thôi kệ, ai muốn mặc gì mặc.
Cho đến giờ, không ai hiểu em N vì sao không mặc quần lót đi làm, có thể mẹ dặn. Sau này em N lấy một cô gái Nhật ở Sài Gòn, mở công ty thiết kế rất nhỏ, chơi cho một ban nhạc rock, đến khi có con, em ấy quay về Nhật…
Anh S
Anh S là một trường hợp điển hình. Khi hết hợp đồng với công ty mẹ, thay vì phải về nước, anh S chọn ở lại Sài Gòn tìm việc. Một người Nhật làm việc trực tiếp cho văn phòng Việt Nam mất đi rất nhiều quyền lợi. Nhưng anh S không quan tâm.
Anh S lấy người vợ Việt khá quyết đoán. Ngày kia, vợ anh S hùng hổ đến công ty, hắt một ly nước vào mặt một người Nhật khác trong ầm ĩ lộn xộn. Nguyên nhân bởi đêm trước, anh S về nhà chỉ còn chiếc quần đùi đơn sơ và cái áo thun ba lỗ. Anh S bị vợ bắt nghỉ làm, đuổi về Nhật. Một thời gian sau, anh S lại mò sang Việt Nam và yên ổn cho đến giờ.
Trong nhiều việc khác nhau, chúng ta thường cho rằng người Nhật kỳ quặc, chuyện này đúng. Khi sang Việt Nam, đa số họ không muốn trở về Nhật nữa. Nhưng ngay cả sống trong vùng đất mà họ cho rằng tốt đẹp này, người Nhật vẫn giữ những suy nghĩ Nhật Bản trong họ, cộng thêm nét Việt Nam vừa học được, phát triển thành một phiên bản hạnh phúc kiểu tràn lan, lầy lội đặc trưng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào số lượng người Nhật tăng lên không ngừng ở Sài Gòn, hoặc câu nói của mẹ em N, anh S tung tăng ra về chỉ với chiếc quần đùi… có thể thấy rằng dù thế nào đi nữa, dù là ai đi nữa, con người luôn có các bản năng nhất định. Một phần trong bản năng đó hướng dẫn họ đi tìm hạnh phúc. Ai mà không muốn được sống hạnh phúc chứ?
Nhớ lại thời gian ở Nhật, những chuyến tàu dừng bất chợt, những người trẻ tuổi phía sau nhà hàng ở Roppongi… Một dân tộc kỳ lạ đã đi qua chặng đường rất dài để tìm thấy vinh quang nhưng lại bỏ quên hạnh phúc, hy vọng, niềm vui mỗi ngày. Những thứ đúng ra phải được thiết lập ngay từ đầu khi nghĩ đến tương lai.