Phần 2: Ra đi kiểu Nhật
Làm ở đây là sống trong thế giới ở đây, sếp đã nói vậy. Nhìn quanh quẩn xung quanh đúng thế thật. Một ông trưởng đại diện vùng (chức vụ cũng to) hì hục cả tuần để gói quà cho mọi người trong hoạt động team building hàng tháng. Rất nhiều giải: nam nữ, đồng đội, nhất nhì… Ông già cứ hì hục, cặm cụi gói ghém cả ngày trong hạnh phúc. Một anh Nhật khác, team marketing, lớn tuổi, nghe nói trước kia từng làm design nhưng không ổn nên chuyển qua HR rồi lại sang marketing. Cuộc sống quanh quẩn trong thế giới đó mà thôi.
Mặt tối ở Tokyo
Lần đầu đặt chân đến đây lúc 2 giờ sáng, ngất ngây trước vẻ đẹp yên bình và sự hiện đại của nó. Thật ngạc nhiên khi nhiều văn phòng vẫn sáng đèn, một số team vẫn đang làm việc.
Những ngày sau đó bắt đầu đi chơi, đi làm, đi khắp nơi bằng tàu điện. Khoảng 14 đường tàu dày đặc tỏa khắp thành phố, nhưng một người Nhật nói đa số họ chỉ sử dụng 2 đến 3 line trong suốt cuộc đời.
Vào tháng Tư, hoa anh đào nở rộ, nước Nhật bắt đầu bước vào mùa tự tử.
Trong 14 đường tàu, có đường nhà nước và tư nhân. Line nhà nước thỉnh thoảng dừng bất chợt, mọi người lại bảo nhau “Chắc có ai đó vừa nhảy vào”. Mỗi tháng có hàng trăm vụ nhảy tàu như vậy. Nếu nhảy vào line tư nhân, gia đình người tự vẫn có thể bị kiện hoặc bồi thường, vì vậy line nhà nước dừng nhiều hơn.
Ở Tokyo cũng có khu chuyên nhậu nhẹt như Sài Gòn, đó là Roppongi. Buổi tối muộn ở đây, những nhân viên văn phòng mặc veston nghiêm trang, say xỉn gục ngủ dưới cột đèn. Bên trong quán bar, các nhân viên cần mẫn nhanh nhẹn, vui vẻ hiếu khách. Nhưng khi bắt gặp họ nghỉ ngơi 5 phút phía sau, đó là các khuôn mặt vô hồn không còn chút năng lượng.
Đem chuyện này nói với một đồng nghiệp Nhật, anh này lắc đầu: Chè pen, no hope.
Dù yêu quý Nhật đến mấy, đất nước này thật sự có vấn đề.
Từ bỏ
Quan niệm của người Nhật không thể phù hợp cơ địa người Việt mấy. Cuộc sống này rất khác. Khi công việc êm ả, mọi thứ êm ả, chúng ta có thể hài lòng với những ngày trôi qua. Khi công việc bất ổn, thế giới xung quanh sụp đổ theo bởi vì không còn niềm an ủi nào khác trong thế giới đó ngoài công việc. Không gia đình, bạn bè, sở thích, đam mê… Tất cả chỉ là chuỗi ngày tận tụy từ sáng sớm đến tối mịt trong văn phòng.
Những chuyến đi công tác Sài Gòn luôn diễn ra chóng vánh. Ngồi ở công ty làm việc chờ đến giờ ra sân bay về Sài Gòn. Từ sân bay Tân Sơn Nhất lại vù đến văn phòng làm việc của công ty ở Sài Gòn, rồi lại bay về trụ sở chính. Không có chuyện ghé thăm ai đó, gặp gỡ bạn bè… Không một phút nghỉ ngơi.
Một ngày buồn bã nọ, trên đường đi làm chợt thoáng nghĩ: Nếu nhìn thấy công ty có cột khói bốc lên, hỏa hoạn hay gì cũng được, mọi người phải quay về, hạnh phúc biết mấy.
Bất chợt nhận ra mình không còn muốn cuộc sống này nữa.
Ra đi kiểu Nhật
Xin nghỉ, sếp già thương mến nhìn hồi lâu. Chắc lần đầu tiên thấy người Việt đẹp trai dữ thần vậy. Ông nhẹ nhàng nói:
- Hay mày bận rộn quá hả? Mày có thể đưa quần áo mày đây tao sẽ nói vợ tao giặt luôn cho mày…
- Hay không ăn được thức ăn ở đây, tao sẽ chỉ mày mấy chỗ bán đồ Việt Nam hoặc vợ tao nấu ăn cho mày luôn…
- Hay mày buồn hả, mày có thể đem bạn gái qua đây sống với mày, công ty sẽ lo ăn ở…
Chỉ muốn nói thẳng thắn lý do: "Dạ, em nghỉ là do cơ địa ạ".
Nhưng đành kiềm chế lại: “Dạ không, đơn giản em muốn nghỉ thôi”. Sếp già đứng dạy bỏ ra khỏi phòng, thậm chí không bắt tay.
Lúc này là 10 giờ sáng, đầu tháng. Bước ra ngoài nghĩ vẩn vơ cuối tháng mình sẽ rời khỏi đây, trong thời gian này mình nên làm gì, làm gì…
Ăn trưa xong HR gọi gặp, đưa vé máy bay. Chuyến bay trưa mai, công ty sẽ trả tiền khách sạn đến cuối tháng nhưng phải tự đổi vé nếu muốn ở lại. Quá shock.
Không đổi vé, không ở lại. Mọi thứ đã quá đủ. Đó là một chuyến bay trong hoang mang buồn bã. Sự nghiệp mơ ước đã kết thúc theo cách kỳ lạ.
Xuống Tân Sơn Nhất khi trời sập tối, mưa tầm tã.
Phần 3: Một thế giới Nhật lầy lội khác ở Việt Nam
Nếu như ở Nhật, người Nhật bế tắc ngay trên quê hương của mình thì sang Việt nam, rất nhiều trong số họ trở thành phiên bản khác: vui vẻ, tận hưởng, lầy lội...