Bị sa thải

Thế giới thống kê rằng số người trúng số hàng năm luôn ít hơn số người bị sét đánh chết, vì vậy mọi người phải đi làm. Công việc mang đến tất cả: tiền bạc (không nhiều), địa vị, tài sản (không nhiều)… Nhưng bỗng một ngày, chị HR gọi chúng ta đến tâm sự và những gì không nhiều kia lập tức ra đi.

Ở một góc độ nào đó, công việc giống như tình yêu vậy, chúng ta đang yêu chăm chỉ thì bị phụ bạc. Cảm giác thất vọng, hụt hẫng, buồn bã…

Tại sao công ty phụ bạc chúng ta?

Trong những năm gần đây, việc ai đó bị sa thải trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Có rất nhiều lý do nhưng một tình yêu lãng mạn và thường phai nhòa. Khi nó ra đi, chẳng tìm thấy lý do chính đáng nào cả. Một ai đó không còn yêu bạn, sa thải bạn, điều này không phản ánh giá trị con người bạn. Sự chia tay ùa đến có thể vì:

Bị sa thải
Ảnh: Igor Omilaev | Unsplash

Công ty phải buông bỏ

Theo khảo sát của Insurance Quotes, lý do lớn nhất của việc chia ly hiện nay là trong giai đoạn khó khăn toàn cầu, rất nhiều công ty cần buông bỏ để chữa lành, trở về chính mình và chạm tới bình yên.

Sự buông bỏ này không có nghĩa công ty phó mặc bạn cho hoàn cảnh, nên hiểu rằng bạn được trả về với khoảng lặng cần thiết để đi tìm hạnh phúc thế gian (một chị HR kinh nghiệm cho biết).

Màn trình diễn của bạn chưa đủ

Lý do phổ biến thứ hai nằm ở việc khả năng của bạn chưa trùng khớp với đòi hỏi của công ty. Hay nói cách khác, màn trình diễn không như các sếp kỳ vọng, họ đành tìm kiếm một người tinh tấn hơn. "Ăn cơm chúa múa tối ngày" và điệu múa lửa của bạn trật nhịp hoặc thiếu chút lửa, công ty cần khét hơn nữa.

Chuyện này có thể do bạn hoặc không, kiểu như sự chuẩn bị là chưa đủ hay duyên nợ chưa đến. Cũng cùng khả năng như vậy, cùng điệu múa đó, công ty khác lại rất cần.

Bị sa thải
Ảnh: Glenn Carstens-Peters | Unsplash

Những lý do khác của việc sa thải

Ngoài ra, sự hòa hợp với sếp, kỷ luật, văn hóa công ty, mức lương tăng dần theo thời gian… đều có thể trở thành vấn đề cho việc chia tay đáng tiếc. Biết sao được, công việc là thứ gì đó rất vô thường, có lúc lại vô duyên.

Làm gì khi bị công ty phụ bạc?

Giống như chuyện yêu đương, việc buồn bã, hụt hẫng, nghi ngờ bản thân… là không thể tránh khỏi. Đôi khi, không làm gì lại tốt nhất trong mọi cách. Nhiều năm trôi qua, bạn sẽ cảm thấy bài học bị sa thải kia mới đáng giá làm sao. Sau những bối rối ban đầu, ai rồi cũng tìm được sự bình yên cần thiết để đánh giá lại mọi thứ: công việc, chính mình, những thiếu sót, những bài học… 

Đúng, sẽ có giai đoạn khó khăn, nhưng thật ra, mất việc không phải là kẻ giết chết sự nghiệp của bạn. Bạn có cơ hội tìm ra điều gì tốt nhất cho mình và cố gắng theo đuổi nó. Đôi khi khoảng thời gian này lại cung cấp cho bạn những ý tưởng mới, ấp ủ những dự định sẽ xảy ra trong tương lai. Hãy nghĩ như người Ấn Độ: chuyện xảy ra là chuyện cần phải xảy ra.

Bị sa thải
Ảnh: Arnel Hasanovic | Unsplash

Suy cho cùng, chúng ta không giống người Nhật hay người Hàn. Chúng ta làm việc để sống chứ không sống để làm việc. Hơn nữa, nếu chiếu theo luật nhân quả, tính ra số lần trong đời chúng ta phụ bạc công ty để đuổi theo mối tình khác lương cao hơn luôn nhiều hơn số lần bị phụ bạc. Không ai có lỗi cả, khi công ty buông bỏ bạn, bạn cũng cần nhanh chóng buông bỏ công ty, chấp niệm chỉ thêm đau khổ mà thôi. Cả hai đều phải tiến về phía trước.