Người Việt thường đề cao sự đoàn kết của người Hoa, họ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng đó chỉ là một truyền thuyết. Trong quyển “Người Trung Quốc xấu xí”, tác giả Bá Dương cho rằng không dân tộc nào lớn mạnh, đông đúc bằng Trung Quốc. Chỉ cần người Trung Quốc đoàn kết với nhau, thế giới sẽ không chống lại nổi. Tuy nhiên, điểm yếu nhất chính là vấn đề này - chia rẽ, quá nhiều bang, nhiều hội.
Trong đó, xung đột kinh hoàng nhất diễn ra giữa người Hẹ và người Quảng, dẫn đến việc có một cộng đồng người Hẹ nhỏ ở Việt Nam ngày nay.
Người Hẹ và người Quảng
Người Hẹ, hay còn gọi là Khách Gia trong tiếng Hán, có nguồn gốc di cư phức tạp từ trung tâm Trung Quốc tiến dần đến các vùng bờ biển để tránh thiên tai, loạn lạc. Trong khi các dân tộc khác mang tên địa danh như người Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam… “Khách Gia” có nghĩa là “người khách”, không quê hương gốc gác và trong cách gọi này, có hàm ý miệt thị. Kiểu như dân “ngụ cư” trong tiếng Việt.
Dù vậy, cả người Khách Gia và người Quảng đều nhận mình “Trung Quốc” hơn phần còn lại. Kiểu như người Hà Nội gốc vậy. Tuy nhiên, người Hẹ có dân số ít hơn, lại đến sau nên bị xem như man di mọi rợ, thấp kém trong xã hội Quảng Đông lúc bấy giờ. Những mâu thuẫn văn hóa, đời sống này là nguồn gốc sâu xa của xung đột đẫm máu sau đó.
Mầm mống chiến tranh giữa người Hẹ và người Quảng
Trong những năm đầu nhà Thanh vào thế kỷ 17, một số người nổi loạn đã chạy trốn đến đảo Đài Loan. Họ tìm cách khôi phục nhà Minh.
Hoàng đế Thuận Trị sợ dân ven biển tỉnh Quảng Đông ngày nay có thể giúp đỡ quân địch nên đã bắt tất cả phải di chuyển vào sâu trong đất liền khoảng 25km sinh sống.
Gần năm mươi năm sau đó, quân nổi loạn trên đảo Đài Loan cuối cùng cũng bị xóa sổ, nhưng dải đất bờ biển Quảng Đông lại thưa thớt dân cư. Lúc này, nhà Thanh quyết định thực hiện chương trình “kinh tế mới” với nhiều chính sách khuyến mãi cho những ai đến sinh sống. Người Khách Gia bần cùng ở trung tâm đất nước hưởng ứng nhiệt liệt.
Tuy nhiên, khi họ kéo đến, rất nhiều người Quảng địa phương đã ở đó. Đối với người Quảng, Khách Gia như đàn châu chấu ùa vào chiếm lấy thị trấn và các vùng lãnh thổ của họ. Xung đột bắt đầu.
Vòng xoáy bạo lực
Người Khách Gia ban đầu làm việc như nô lệ cho người Quảng. Tuy nhiên, họ dần liên kết lại để hình thành cộng đồng của mình, tìm cách chống lại áp bức bất công.
Lúc này, nhà Thanh suy yếu, loạn lạc khắp nơi bao gồm cả Quảng Đông. Một nhóm người Khách Gia được triều đình cho phép tổ chức một đội quân nhỏ dưới sự kiểm soát của nhà nước để chống lại giặc cướp. Tuy nhiên, họ nhân tiện trả thù luôn cả người Quảng.
Người Quảng ngay lập tức tập hợp lực lượng riêng, xây dựng quân đội trừng phạt Khách Gia. Một vòng xoáy bạo lực liên tục diễn ra và nhà Thanh đã bỏ mặc hai bên vì không thể ngăn chặn nổi.
Sau cùng, triều đình một lần nữa áp dụng chính sách di dân cưỡng bức, người Khách Gia bị tách ra, đem đi khắp các tỉnh thành khác nhau. Đa số họ mất mát quá nhiều cho cuộc chiến với người Quảng đến nỗi một bộ phận chạy ra nước ngoài và đến Việt Nam.
Người Quảng giữ lại được đất đai của mình, nhưng sự tàn phá của chiến tranh cũng khiến họ nghèo đói hơn rất nhiều. Hàng ngàn người quyết định rời khỏi Quảng Đông, đến các vùng đất khác nhau trên thế giới, trong số đó lại có Việt Nam.
Hậu quả chiến tranh Hẹ - Quảng
Cuộc chiến diệt chủng đã giết chết hơn nửa triệu người Hẹ ở Quảng Đông. Mối hận thù này làm họ bị đối xử tàn tệ nhiều thập kỷ sau đó ở Thượng Hải, Malaysia… Thậm chỉ người Quảng đã ngăn cản mọi cuộc di cư của người Hẹ vào Madagascar.
Hơn trăm ngàn người Hẹ nữa bị giết ở Quảng Tây trong cuộc chiến tranh sắc tộc khác. Mãi đến năm 1850, người Quảng và người Hẹ vẫn thực hiện một phen chém giết kéo dài hơn 40 ngày ở Quý Cảng. Sự thù địch tồn tại giữa hai nhóm người này ngay cả ở những vùng đất mới, trong nhiều thập kỷ sau đó.
Trong các xung đột liên miên này, người Khách Gia chịu thiệt hại nhiều hơn, bi thảm hơn.
Tuy nhiên, Khách Gia ngày nay là một phần của Sài Gòn, giống như người Quảng. Có hai nhóm Khách Gia chính ở nước ta, phía Nam gọi là người Hẹ. Phía Bắc gọi là người Ngái, tập trung ở các vùng trung du. Trong khi người Hẹ y như chúng ta, người Ngái vẫn giữ nguyên phong cách ăn mặc, tập quán Khách Gia và họ được xem là dân tộc thiểu số.
May mắn thay, người Quảng Đông và người Khách Gia hiện đang chung sống hòa bình ở Việt Nam. Những định kiến lẫn nhau vẫn chưa hoàn toàn biến mất trên thế giới, nhưng hoàn cảnh lịch sử mới ở đây làm cho những lý do chống lại nhau không còn. Dù sao, đối với chúng ta, họ không phải là "khách" nữa, vì vậy cái tên Hẹ vẫn thân thuộc hơn, "Khách Gia" cùng quá khứ đau thương lùi vào dĩ vãng.
Bài viết có tham khảo tài liệu của:
- Murray, Dian H., and Baoqi Qin. The Origins of the Tiandihui: the Chinese Triads in Legend and History. Stanford (Calif.): Stanford University Press, 1994.
- Kim, Jaeyoon. “The Heaven and Earth Society and the Red Turban Rebellion in Late Qing China.” Journal of Humanities & Social Sciences 3, no. 1 (2009): 1–35.
- Hakka–Punti Clan Wars, Guangdong, China, 1855-1867