Ngày nay, các ca khúc thiếu nhi ra đời ít hơn trước dù số lượng nhạc sỹ nhiều lên. Thực tế, những bài hát này rất khó sáng tác bởi vì chúng cần mang theo năng lượng, niềm vui và quan trọng nhất là sự đơn giản. Tuy vậy, đôi khi đơn giản lại làm mọi người quên mất...
Hai con thằn lằn con
Bài hát kể về hai con thằn lằn con trong một ngày quá rảnh rỗi đã cắn đứt đuôi của nhau, sau đó bị ba mắng. Tính đến nay, có lẽ đuôi thằn lằn đã mọc dài như cũ, nhưng tác giả bài hát vẫn chưa biết là ai.
Cùng chung số phận với bài “Một con vịt xòe ra hai cái cánh”, có lẽ đây cũng là một sáng tác của cô giáo mầm non nào đó. Nếu như bài “Một con vịt xòe ra hai cái cánh” được suy đoán thuộc về cô giáo ở Hải Dương, miền Bắc; “Hai con thằn lằn con” có xuất xứ Nam hơn trong câu “ba thằn lằn buồn hiu…”. Buồn cũng phải thôi, hai thằng con...
Thằng Cuội
Có lẽ đây là bài hát Trung thu tĩnh lặng, ẩm ướt nhất từ trước đến nay:
Gió không có nhà, gió bay muôn nơi
Biền biệt chẳng ngừng, trên trời nước ta...
Bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp lung linh buồn bã trong giai điệu ngũ cung đậm chất Việt Nam này qua bản phối của nhạc sĩ Christopher Wong và giàn nhạc giao hưởng Bulgari:
Nhạc sĩ Lê Thương nổi tiếng nhất với ba bài Hòn Vọng Phu nhưng công việc chính của ông lại là thầy giáo dạy Sử, Địa. Có lẽ vì vậy bài hát "Thằng Cuội" phảng phất dấu tích xưa cũ, mông lung mờ nhạt vượt ra khỏi ranh giới tuổi thơ.
Ông mất trí nhớ dần vào những năm 90 và qua đời vào năm 1996 tại Sài Gòn.
Mẹ đi vắng
Bài hát chỉ 4 câu cực ngắn:
Mẹ đi vắng, em sang chơi nhà bạn. Em cầm cây đàn em hát, hát cho mẹ về với em.
Người tạo ra khúc nhạc đơn giản dễ nhớ này chính là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không giống như Trịnh Công Sơn chúng ta thường biết tí nào.
Bé bé bằng bông
Bài hát kể lại câu chuyện của một con búp bê bông được mang đi sơ tán khỏi chiến tranh cùng gia đình. Năm 1972, ước tính có khoảng 200 ngàn trẻ em Hà Nội đã phải di tản để tránh bom. Tuy nhiên, giai điệu của ca khúc này giúp mang đến sự lạc quan vui tươi giữa chiến tranh khốc liệt.
Nhạc sĩ Phạm Đức Lộc đoạt giải A cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi 1965 với "Bé bé bằng bông", ngoài ra ông còn là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Đáng tiếc ngày nay, không còn tài liệu lưu trữ nào nói về nhạc sĩ này nữa.
Quả gì
Bài hát này mang một lượng thông tin lớn cho trẻ em, từ quả đất, quả khế, quả bóng... cho đến quả pháo.
Quả gì mà lăn lông lốc? Xin thưa rằng quả bóng.
Sao mà quả bóng lại lăn? Do chân, bao người cùng đá trên sân.
Giai điệu rộn ràng lên xuống như buổi học vui của bé, một sáng tác của nhạc sỹ Xanh Xanh. Nhưng khi bạn tìm kiếm nhạc sỹ này, không có thông tin nào.
Thử tưởng tượng chúng ta đã lớn lên mà không có những bài hát này. Khi vừa bi bô biết nói đã nghêu ngao Si tình, Bắt đầu là điểm dừng, Chịu cách mình nói thua...
Một trong những lý do nhạc thiếu nhi vắng đi là vì các sáng tác này không mang lại nhiều tiền. Rất nhiều bài hát đã tặng cho tuổi thơ chúng ta bởi những cái tên vô danh như Xanh Xanh, Kim Duyên... nhưng con người cụ thể không bao giờ xuất hiện. Dù vậy, sự hiện diện bằng giai điệu và sự hồn nhiên đơn giản cũng đủ tuyệt đẹp trong ký ức chúng ta.