Nếu so với di sản của hai học giả này để lại, sự điêu tàn đang diễn ra không tương xứng lắm. Nhưng một khi mọi người lãng quên, thời gian sẽ tìm cách để lại dấu ấn xấu xí của nó. Dù sao, việc những người chết phải chung sống với chúng ta cũng thật thảm họa.
Học giả Trịnh Khánh Tấn
Ngắn gọn nhất, Trịnh Khánh Tấn giống như một La Fontaine người Việt vậy. Ông biên soạn quyển Học Tập Quy Chánh cho trẻ em vào năm 1906. Toàn bộ tài liệu này bằng thơ lục bát, trải đều qua các chủ đề từ ăn nói lễ phép, tránh xa bài bạc, rượu chè cho đến cách mua thực phẩm ngon, sạch... Những vấn đề rất hiện đại so với lúc bấy giờ.
Lăng mộ ông nằm giữa con hẻm lớn lộn xộn hàng quán. Đó là một kiến trúc baroque cũ kỹ nổi bật bởi chi tiết trang trí tỉ mỉ, công phu.
Sử dụng mái vòm, nhiều thức cột Corinthian dòng La Mã cùng các họa tiết trang trí khéo léo, khu lăng mộ tuy nhỏ nhưng vẫn uy nghi, bề thế ở khoảng cách gần. Rất tiếc, kiến trúc tuyệt đẹp này ngày nay kiêm luôn vai trò cột điện cho những người sống, làm mất hẳn sự trang nghiêm, sạch sẽ.
Ở góc toàn cảnh, công trình cổ kính tuyệt đẹp xây dựng vào năm 1914 này trông như được sử dụng với đầy đủ chức năng của một trạm điện thế:
Bên trong cũng vậy, mộ ông Trịnh Khánh Tấn ở giữa, hai bên là vợ và con ông, xung quanh bàn ghế, vật dụng...
Và đây là những vần thơ hoàn toàn được viết bằng tiếng Việt hiện đại, ông Trịnh Khánh Tấn khuyên nhủ trẻ em về việc sống hòa nhã, khôn ngoan:
- Ở trong thân thích thôn lân,
Con đừng ỷ thế cậy thần, hiếp nhau,
- Dẫu con trong bực sang giàu,
Cũng đừng hiếp khó, lẽ đâu phụ bần?
Nhưng có lẽ ông quên nói về việc không nên dùng lăng mộ người đã khuất để chăng dây điện hoặc làm nhà kho. Thật đáng tiếc.
Học giả Trương Vĩnh Ký
Người Pháp đánh giá rằng ở thế kỷ 19, Trương Vĩnh Ký là nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cả Trung Hoa hiện đại nữa. Nếu Alexandre de Rhodes có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, ông Ký đã phổ biến và phát triển nó cho đến ngày nay.
Việc làm này cực kỳ to lớn khi xét trên phương diện bạn chỉ mất ba tháng để biết đọc, biết viết. Nếu không có những gì ông Petrus Ký đã làm, mỗi người phải thuộc lòng 47.000 ký tự Hán ngữ tượng hình mới được xem là biết chữ. Lúc này, phông bạt hoa mỹ trên mạng xã hội cũng khó.
Khu lăng mộ của ông xây dựng vào năm 1886, nằm ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng, với cổng Tam Quan theo kiểu các ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam:
Nhưng bên trong lại sử dụng nhiều kiến trúc Pháp kết hợp với chi tiết Á Đông đẹp mắt. Lăng mộ hình bát giác này do chính ông Trương Vĩnh Ký thiết kế.
Trương Vĩnh Ký để lại một di sản phong phú với hơn 100 tác phẩm văn học, lịch sử, địa lý cũng như nhiều từ điển và tác phẩm dịch khác nhau.
Bây giờ, hãy đi xung quanh. Ngoài mộ ông Trương Vĩnh Ký, khu vực này còn rất nhiều ngôi mộ khác của những người thuộc gia đình ông.
Tất cả đều bị mai một với thời gian, không được chăm chút và hoang tàn đi đáng kể. Những người còn sống cũng xâm chiếm ít nhiều không gian của người đã mất nữa. Chung sống với chúng ta quả thật là thảm họa.
Khu vực lăng mộ Trương Vĩnh Ký hiện nay còn có một nhà tưởng niệm với nhiều di vật quý giá, mọi người có thể đến viếng thăm bất kỳ lúc nào.
Xung quanh sân vườn được sử dụng làm quán nước nhỏ kiêm giữ xe cho cà phê Katinat gần đó.
Hàng chữ này có nghĩa: "Tri thức là nguồn sống cho người sở hữu", được ông Trương Vĩnh Ký trích dẫn từ Kinh Thánh Sacra Vulgata.
Cả hai vị học giả Trương Vĩnh Ký và Trịnh Khánh Tấn đều đề cao tri thức, cố gắng mở cánh cửa đó cho các thế hệ phía sau. Nhưng sau cùng, trong cuộc sống tất bật chật chội này, dây điện, xe máy, quán nước, bàn ghế... của chúng ta lấn át lăng mộ của hai ông, kể ra không công bằng mấy.
Cho dù đây chỉ là những người bình thường, việc bày bừa vào nơi an nghỉ của người khác cũng không giống với văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, ngày qua ngày, mọi thứ bình thường đi, giống như câu ngạn ngữ của phương Tây: "Thói quen ban đầu là mạng nhện, sau đó là dây thừng".
Dù sao, giữ cho hai lăng mộ này tươm tất, chỉn chu hơn cũng không phải là việc quá khó để làm.