Khi bạn thực hiện một tìm kiếm trên Google, 1000 máy tính sẽ làm việc quần quật cùng lúc để tìm ra câu trả lời trong 0,2 giây.
Mỗi ngày, thế giới tạo ra hơn 402 nghìn tỷ Megabyte dữ liệu. Số dữ liệu này được lưu trữ vĩnh viễn nếu bạn không xóa chúng. Chẳng hạn tạo ra một ngàn tấm hình selfie để giữ lại thanh xuân như cái ấm trà của bạn.
Trên thực tế, người ta ước tính rằng 90% dữ liệu thế giới tạo ra chỉ trong hai năm trở lại đây.
Ô nhiễm dữ liệu
Trước kia ngành hàng không được xem là ô nhiễm nhất thế giới thì ngày nay, các trung tâm dữ liệu mới là vấn đề.
Để những ấm trà thanh xuân còn mãi, người ta phải duy trì hoạt động của rất nhiều máy tính. Ước tính đến năm 2026, nhu cầu điện cho các máy chủ, đám mây sẽ chiếm 6% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Sau đó, cần lượng nước cực lớn để làm mát các ấm trà thanh xuân kia. Một ví dụ dễ hiểu: Mỗi ngày, trung tâm dữ liệu của Google cần hơn 1,7 triệu lít nước chỉ để tưới ấm trà.
Chúng ta tạo ra dữ liệu vô bổ như thế nào?
Video chiếm hơn một nửa (53,72%) tổng dữ liệu toàn cầu. Trong khi âm nhạc thuần túy chỉ chiếm 0,31%.
Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập nội dung video. TikTok là một điển hình. Đây là mạng xã hội gây ô nhiễm nhất.
Mỗi tiktoker thải ra 2,63g CO2 mỗi phút, tương đương với con số đáng kinh ngạc là 30,72 Kg CO2 mỗi năm.
Phép tính dễ hiểu: trung bình trong cuộc đời cuộn cuộn, bạn tạo ra lượng ô nhiễm gần bằng 5 chuyến bay khứ hồi Sài Gòn - Hà Nội.
Tại sao nói Tiktok là nền tảng ô nhiễm nhất?
Bởi vì trong khi Facebook đã đưa lượng thải của họ về zero. Google, Microsoft, Apple và Amazon đều đang thực hiện kế hoạch tương tự thì ByteDance, người mẹ tần tảo của Tiktok hứa sẽ chuyển sang năng lượng tái tạo vào năm 2030. Mới chỉ hứa thôi mà phải chờ thêm 6 năm nữa.
Chúng ta có thể hạn chế lượng dữ liệu cá nhân để bảo vệ môi trường không?
Những thứ hữu hình như túi nhựa, ly nhựa… đã khó giảm, data lại càng khó hơn. Lưu trữ dữ liệu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay, thanh xuân dù méo mó có đó vẫn còn hơn không.
Nhưng hãy thử tưởng tượng trước kia chỉ giấy và mực, bạn cần in bao nhiêu trang cho thanh xuân?
Đành phải chấp nhận rằng đa số dữ liệu mà chúng ta tạo ra là vô bổ. Clip bạn đi chân trần trên cát, review những quán ăn vô nghĩa, nhảy lên trong hoàng hôn, đập hộp đôi giày mới… thật tuyệt vời. Nhưng phần còn lại của thế giới có cần phải thấy chúng không lại là chuyện khác. Kiểu như chúng ta đi đám cưới và cố lên sân khấu đãi mọi người một bài vậy, vui có nhưng hay thì không chắc. Chỉ chắc một điều là thực khách cũng không cần đãi lắm.
Dù sao, hãy liếc qua một chút để biết những gì chúng ta tạo ra trong 402 nghìn tỷ Megabyte dữ liệu mỗi ngày nhé.
Bạn thấy đấy, video vẫn là vấn đề vượt trội. Tất nhiên internet là để post, share, sáng tạo, tận hưởng… Nhưng hãy cố gắng chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, hãy phân loại, y như cuộc sống ở bên ngoài thôi.