Những người giàu có nhất Sài Gòn xưa đa phần gốc Hoa như Quách Đàm, Chú Hỏa, Lý Tường Quan… Ông Nguyễn Văn Hảo hiếm hoi gốc Việt.
Xuất phát nông dân, nhưng từ việc buôn bán phụ tùng xe hơi, ông Hảo sau đó mở cây xăng cho đến showroom xe nhập khẩu từ châu Âu. Ông còn là người đại diện của Michelin tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Ông Hảo để lại nhiều công trình lớn: rạp hát, chùa, chung cư… Nhưng hôm nay chúng ta chỉ đi ghé thăm ngôi biệt thự 4 mặt tiền mà ông từng sống trong đó.
Tòa nhà Ng.V.Hao
Nằm bao bọc bởi đường Trần Hưng Đạo, Ký Con, Lê Thị Hồng Gấm và Yersin, tòa nhà xây dựng từ năm 1933 và hoàn thành 4 năm sau đó. Mang dáng dấp của một con tàu với mũi tàu hướng thẳng ra đường Trần Hưng Đạo:
Tòa nhà được thiết kế theo phong cách Art Deco những năm 1920. Mặc dù vẫn sử dụng một số yếu tố của kiến trúc Romance như cửa sổ vòm cung nguyên, băng ngang… nhưng lại thêm nhiều góc vuông vững chãi, bề thế. Tuy nhiên vẫn giữ được nét tinh xảo nhờ những chi tiết ban công, cửa sổ…
Ông Hảo chỉ có một người con duy nhất tên Nguyễn Tâm Thạnh. Ngày nay các cháu ông, những người làm việc tay chân nghèo khó, được sống trên tầng 2 của tòa nhà, ra vào bằng cánh cổng nhỏ trên đường Ký Con. Tất cả tài sản trước kia không còn thuộc quyền quản lý của gia đình ông nữa.
Bây giờ hãy đi xung quanh tòa nhà này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và chỉn chu của một thiết kế kinh điển.
Hãy thử tưởng tượng đây là nhà của bạn, chỉ cần dạo quanh các hành lang, bạn đã đi qua hết 4 con đường sầm uất của quận 1.
Ông Hảo có vẻ là một nhân vật cấp tiến lúc bấy giờ, từ việc kinh doanh cho đến thẩm mỹ. Hầu hết các thiết kế đồ họa, kiến trúc giai đoạn 1930 thường sử dụng font chữ Old English có chân cổ điển. Nhưng dòng "Ng.V.Hao" dọc theo tòa nhà dường như dùng Futura, font chữ được phát hành vào năm 1927 bởi Paul Renner, một nhà thiết kế người Đức.
Các góc nhọn của ký tự V, A và A nâng cao tính hiện đại và đơn giản của chữ nhưng lại thanh lịch, gọn gàng dù mọi thứ đã mục nát.
Bên trong tòa nhà Ng.V.Hao
Năm 1960, sau khi vợ mất, tỷ phú Nguyễn Văn Hảo lúc này 70 tuổi, bỗng nhiên dừng hết các việc kinh doanh, về quê với những chuyện đã qua... Nơi ông xây một ngôi chùa lớn đặt tên Hảo Tâm Tự. Sau này, rất nhiều người được cứu sống trong loạn lạc nhờ ngôi chùa này. Con trai ông Hảo quản lý cây xăng và các công việc nhỏ khác ở Sài Gòn.
Sau này, cuộc sống khó khăn và người con đã bán dần hết những vật dụng trong nhà, kể cả thang máy. Những gì còn sót lại không nhiều. Các khu vực được cho thuê có vẻ tươm tất hơn:
Kiến trúc tòa nhà này thật đẹp, trần nhà rất cao cho phép những ô cửa lớn nhỏ trổ dài lên trên thẳng tắp.
Đây có lẽ là những vật dụng còn sót lại được bảo quản đến nay:
Những phần còn lại của tòa nhà không được nguyên vẹn như thế...
Hãy chiêm ngưỡng đường cong thanh lịch duyên dáng của chiếc cầu thang xoắn mảnh dẻ này:
Đó là tất cả những gì còn lại của một huyền thoại, ông Nguyễn Văn Hảo. Mỗi bậc thang, mỗi ô cửa, mảng tường sứt mẻ đều lưu giữ câu chuyện của mình. Nhưng người trong cuộc thì không.
Trong một bài phỏng vấn, con trai ông Hảo đã nói: “Tôi quên hết mọi chuyện rồi vì càng nhớ càng nhức đầu. Mặt trời mọc rồi cũng có lúc phải lặn thôi”.
Điều đó có nghĩa đơn giản là mặt trời đang lặn.