Tất cả hội quán, phủ, chùa của người Hoa trên khắp xứ Nam Kỳ đều đến từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu… vùng duyên hải phía Nam Trung Quốc. Nhưng trong góc của con đường nhỏ ngoằn ngoèo này lại xuất hiện một kiến trúc Bắc Kinh lộng lẫy, tinh xảo và rực rỡ. Thật ngạc nhiên khi ngôi chùa ngoạn mục này cho đến nay vẫn còn kín tiếng, chưa ai nói đến vẻ đẹp của nó cũng như chưa hiện diện dày đặc trên Instagram. Bây giờ, hãy dạo quanh nhé...
Bản giao hưởng sắc màu
Nằm lọt thỏm trong khu dân cư, đằng sau cánh cổng giản dị và những hàng cây này che giấu sự ngạc nhiên lớn. Tất cả màu sắc bên trong được phô diễn hài hòa, đầy năng lượng nhưng vẫn giữ nguyên vẻ trầm mặc cần thiết của một ngôi chùa khiêm tốn.
Có năm màu cơ bản trong văn hóa truyền thống Trung Quốc tương ứng với năm yếu tố và năm hướng khác nhau. Màu xanh lá cây (Mộc) tượng trưng cho hướng Đông, màu đỏ (Hỏa) tượng trưng cho hướng Nam, màu trắng (Kim) tượng trưng cho hướng Tây, màu đen (Thủy) tượng trưng cho hướng Bắc và màu vàng (Thổ) tượng trưng cho trung tâm. Ở đây, năm màu này kết hợp với nhau hài hòa, rực rỡ nhưng lại không vướng chút lòe loẹt, phô trương nào.
Sự cân đối này lan tỏa sang các yếu tố trang trí xung quanh tạo nên một bản giao hưởng tĩnh tại đầy màu sắc.
Mặc dù khoảng sân phía sau hơi nhỏ, nhưng những ngọn tháp rực rỡ này sẽ giữ chân bạn khá lâu. Chưa kể cách sắp đặt của chúng tạo nên các khoảng không gian đầy chiều sâu cổ điển kinh thành chỉ thấy trong phim ảnh.
Đối xứng, Á Đông và những chi tiết tuyệt mỹ
Huê Nghiêm Giảng Tự nằm ở đường Nhiêu Tứ quận Phú Nhuận. Đây là chùa Đại thừa theo tông phái Hoa nghiêm, lấy kinh Hoa nghiêm làm gốc. Toàn bộ mặt bằng của chùa được thiết kế đối xứng, đối lập, cân bằng theo triết lý phương Đông.
Mặc dù cấu trúc đối xứng có thể làm tổng thể nặng nề, nhưng các chi tiết sẽ giải quyết tất cả. Mái nhà được trang trí công phu với đường cong nổi tiếng. Đầu mái nhô lên được gọi là "mái hiên bay" mang đến cảm giác nhẹ nhàng, linh hoạt như thể toàn bộ cấu trúc được nâng lên bởi các góc.
Những thanh dầm chạm khắc tinh xảo được lắp đặt với khoảng cách tuyệt đối chính xác, chứa đầy sự khéo léo, uy nghiêm, linh hoạt và mạnh mẽ.
Trên đường cong của mái, bạn sẽ bắt gặp những linh vật canh giữ mặt đất bên dưới. Theo các khái niệm phong thủy truyền thống, việc đặt những con vật huyền thoại trên mái nhà sẽ giúp xua đuổi tà ma.
Đội hình bắt đầu với một vị thần cưỡi gà trống. Con gà này được cho là đã cứu vua nước Tề cổ đại khi ông chạy trốn khỏi trận chiến ác liệt. Linh vật kết thúc luôn là rồng. Số lượng những con ở giữa cho biết tầm quan trọng của kiến trúc đó, tối đa là chín như trong trường hợp của Tử Cấm Thành. Ở đây chúng ta chỉ có ba thôi.
Vào năm 1954, một vị hòa thượng tên Thích Thọ Dã từ Chùa Ngũ Đài Sơn (Wutai Shan) tỉnh Sơn Tây đã đến Sài Gòn và xây dựng ngôi chùa này như một bản thu nhỏ của chùa Ngũ Đài Sơn gốc. Tại sao ngôi chùa lại nằm ở Phú Nhuận chứ không phải quận 5 vẫn là một dấu hỏi. Có thể làn sóng di cư thứ nhất của người Minh Hương không quy phục triều đình, sau đó làn sóng thứ hai khi hình thành Đài Loan, đều mâu thuẫn với thủ đô. Vì vậy ngôi chùa mang phong cách Bắc Kinh này nằm cô độc ở phía khác của Sài Gòn. Tuy nhiên, đứng giữa con người và thiên nhiên quanh đây, kiến trúc này hoàn toàn hòa hợp một cách nhẹ nhàng thư thái.
Nếu bạn tìm kiếm từ khóa "Tử Cấm Thành" (Forbidden City), cách tạo ra mái, màu đỏ tươi tắn, chi tiết thanh dầm, sự tinh xảo tỉ mỉ, màu sắc... hầu hết đều giống với Huê Nghiêm Giảng Tự. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi vẻ đẹp rực rỡ này lại xuất hiện kỳ lạ trong con hẻm nhỏ Phú Nhuận. Dù sao, Sài Gòn mỗi góc một bí ẩn riêng, ngôi chùa mang phong cách kinh đô lộng lẫy này lặng yên nơi đây để chứng mình điều đó cũng hoàn toàn hợp lý.
Ở bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện không thể phi lý hơn: Sự thật về một người Việt thiết kế Tử Cấm Thành.
