Ngày nay, Tử Cấm Thành là kinh thành lớn nhất thế giới còn tồn tại. Kiến trúc vĩ đại hơn 720.000 mét vuông này được thiết kế đầy khoa học và tinh tế. Một chi tiết điển hình như các đỉnh tường thành có độ dốc không cho phép chim đậu, đỉnh gờ tường cũng làm to hơn các ngón chân chim. Nghiên cứu chính xác trên chỉ nhằm ngăn các con chim phạm thượng không ị lên thành. Đó chỉ là một trong vô số tính toán khoa học của Tử Cấm Thành, nhưng đủ cho thấy người ta đã tập trung trí tuệ vào nó như thế nào.
Những người liên quan, người Việt, người Trung Quốc đều giành nhau rằng chính mình mới là người thiết kế nên công trình độc đáo này.
Người Việt nói gì?
Triều đại Hồ Quý Ly chỉ tồn tại trong bảy năm. Thời điểm cuối cùng năm 1407 đã bị nhà Minh đánh bại. Sau khi chiến thắng, thật khó hiểu khi Minh Thành Tổ thay vì bắt các cô gái đẹp mang về Trung Quốc, lại chọn trai đẹp. Nguyễn An là một trong số đó. Ông bị ép làm hoạn quan. Về sau, Nguyễn An thiết kế và xây dựng Tử Cấm Thành cho Minh Thành Tổ.
Rất nhiều câu chuyện xung quanh như bốn tháp góc thành được ông lấy ý tưởng từ chuồng dế khi còn ở quê hương, phát kiến làm đông cứng sông để vận chuyển đá xây thành…
Chúng ta có thể đọc được các thông tin này trong hầu hết các báo chính thống nếu tra cứu từ “Nguyễn An”
Người Trung Quốc nói gì?
Tất nhiên người Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm. Không thể nào kinh thành quan trọng nhất đối với họ lại do một người Việt thiết kế được. Trong diễn đàn lịch sử Historum, chủ đề này được bàn tán sôi nổi.
Một thành viên Minh Minh bình luận: “Tử Cấm Thành không phải do một người thiết kế. Kiến trúc sư trưởng là Cai Xin và dưới quyền ông là hoạn quan Nguyễn An người Việt Nam. Các kỹ sư trưởng là Kuai Xiang và Lu Xiang. Đúng là có một người Việt Nam tham gia xây dựng nhưng không phải hoàn toàn do một người Việt Nam thiết kế.”
Hoặc thậm chí: “…Theo logic, nếu một người đến một quốc gia khác và trở thành công dân, anh ta sẽ từ bỏ quê hương của mình. Vì Nguyễn An đã đến Trung Quốc, trở thành hoạn quan và chọn phục vụ hoàng đế Trung Quốc (anh ta có thể đã cố gắng trốn thoát hoặc tự tử), anh ta đã từ bỏ Việt Nam. Do đó, anh ta là người Trung Quốc…”
Một ý kiến trái chiều khác có vẻ hơi quá lời: “Một số thông tin về Nguyễn An trong cuốn sách The Eunuchs of the Ming Dynasty của Henry Tsai:
Được cống nạp sang Trung Quốc, Nguyễn An nhanh chóng giành được sự tin tưởng của Hoàng đế Vĩnh Lạc, chủ yếu là vì lòng trung thành đáng chú ý, tính tiết kiệm và trên hết là sự liêm khiết nổi tiếng của ông. Nhưng Nguyễn An cũng là một nghệ sĩ tài năng, một kiến trúc sư khéo léo và một kỹ sư xây dựng chuyên gia với trình độ ngang ngửa với Da Vinci hay Michelangelo thời Phục hưng."
Nhìn chung, những người Trung Quốc yêu nước có khuynh hướng đồng hóa, cung cấp quốc tịch cho ông Nguyễn An. Tuy nhiên, trong các tài liệu chính thức khác của thế giới, kiến trúc sư trưởng thiết kế Tử Cấm Thành là Cai Xin (Thái Tín).
Sự thật là…
Lịch sử cả hai nước đều ghi nhận Nguyễn An sang Trung Quốc vào năm 1407, khi mới 16 tuổi. Nhưng Tử Cấm Thành đã khởi công vào tháng 7 năm 1406. Một công trình quan trọng như vậy, bản vẽ phải có trước. Vì vậy, dù lãng mạn đến đâu, chúng ta cũng khó chắc rằng anh người Việt trẻ tuổi đã thiết kế nên công trình vĩ đại, một trung tâm văn hóa, hành chính, quân sự… như thế. Nó đòi hỏi rất nhiều kiến thức nền tảng về dân tộc, quy hoạch đô thị, phong thủy, chi tiết thẩm mỹ…
Tuy nhiên, một bài nghiên cứu trên tờ Bắc Kinh Daily đã đưa ra các thông tin đáng chú ý:
Tử Cấm Thành dù đẹp đến từng chi tiết nhỏ nhưng tường thành bằng đất nện lại yếu. Mỗi năm đều bị mưa gió bào mòn. Nguyễn An chính là người được tin tưởng xây lại tường thành, các tháp ở góc, điện thờ, tháp thiên văn… Các phương án của ông hợp lý, chắc chắn và tốc độ đã làm hài lòng Minh Thành Tổ. Khởi công từ 1437, ba mươi năm sau khi Nguyễn An đến Trung Quốc, đến năm 1441 mới hoàn thành. Đó là một hệ thống quan sát và phòng thủ cực kỳ kiên cố.
Hơn 10 năm sau đó, khi Hoàng đế Anh Tông của nhà Minh bị Mông Cổ bắt ở trận mạc, quân địch đã tấn công Tử Cấm Thành nhiều lần nhưng bị bức tường của Nguyễn An cản lại, bức tường rất quan trọng trong việc bảo tồn nhà Minh.
Sau này, mặc dù tiếp tục chủ trì nhiều dự án lớn khác, Nguyễn An luôn được xem là vị quan trung thực hiếm có trong thời đại tham nhũng tràn lan đó. Ông có đời sống giản dị cho đến lúc chết trên đường đi xây đập trị thủy, với lượng tiền tối thiểu trong người.
Đó là câu chuyện khả dĩ hợp lý nhất về Nguyễn An đã lưu lạc trong lịch sử, dù sự thật có thể không được hoành tráng như chúng ta mong đợi. Nhưng một người Việt xa xứ và dấu ấn của ông trong những bức tường thành cổ kính giữa lòng Bắc Kinh, không phải bằng các câu chuyện phi thường, mà bằng chính sự tận tụy và phẩm chất của mình, bấy nhiêu cũng đủ là dấu ấn lặng lẽ tuyệt đẹp của thời đại đã qua.
Bài viết có tham khảo tài liệu của:
