Nằm ở vị trí cao nhất của thành phố, dạo quanh đây bạn sẽ có cảm giác nhẹ nhàng rằng mình đang ở trong buổi chiều Đà Lạt. Những hàng cây dày và lớp tường đỏ thấp thoáng xóa nhòa mọi cảm giác Sài Gòn.
Vẻ đẹp của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật
Trước đây, ngôi trường này có tên Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, khuôn viên ở đây thuộc loại lớn nhất thành phố. Được xây dựng từ 1973 theo phong cách kiến trúc hiện đại miền Nam hòa trộn với triết lý đơn giản thực dụng kiểu Mĩ. Những hành lang bao bọc nhiều khối giảng đường tận dụng hết các mảng xanh xung quanh, tạo nên các dãy thoáng mát tuyệt đẹp để đảm bảo lúc nào bạn cũng có thể nhìn thấy thiên nhiên xung quanh mình.
Các block giảng đường chỉ xây ba tầng, với hành lang và sân thượng sẵn sàng biến thành góc nghỉ ngơi, học tập thật yên tĩnh và riêng tư. Những cầu thang lên xuống đều crop một khoảng xanh thư thái đưa vào tầm mắt.


Khác với kiến trúc Pháp, thiết kế kiểu miền Nam hiện đại có trần thấp hơn nhưng vẫn thanh mảnh, gọn gàng. Tổng thể này hài hòa, duyên dáng khi mọi sự cầu kỳ không cần thiết đều được lược bỏ, nhường chỗ cho cơn gió, ánh tà dương và những khoảng không trong vắt.
Trên đây chỉ là khu vực giảng đường chính. Xung quanh, các phân khoa khác lại mang hình khối lạ lẫm khác, hòa lẫn vào khung cảnh một cách rất “trung du”. Hãy thử đi một vòng nhé.
Đến đây, hẳn bạn đã cảm nhận được sự rung động kiểu vùng cao lành lạnh rồi chứ? Thật ra, khu vực trường Sư phạm Kỹ Thuật gần như là đỉnh của quả đồi Thủ Đức, vùng đất này cao nhất Sài Gòn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi người thiết kế ra nó chọn ý tưởng khá táo bạo, một trường đại học với các đường nét giản dị, khỏe khoắn nhưng mang lại tổng thể nhẹ nhàng lãng mạn làm mềm đi mọi yếu tố “kỹ thuật” khô khan.
Ai đã thiết kế trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật?
Công trình cho mục đích thuần kỹ thuật này được thiết kế bởi một người nữ - kiến trúc sư Phyllis Birkby - người trước đó bị đuổi khỏi trường mỹ thuật vì công khai mối tình đồng tính của mình. Vào năm 1953, việc làm đó không bình thường chút nào. Tuy nhiên, bà đã chuyển sang kiến trúc và tốt nghiệp Đại học Yale danh tiếng. Phyllis Birkby tham gia thiết kế nhiều công trình cộng đồng nổi tiếng ở Mĩ và làm công việc giảng dạy.
Sau này, Phyllis Birkby kể lại với tất cả cố gắng của bà là để chứng minh mình “giỏi bằng hoặc giỏi hơn nam giới”. Năm 1973, bà từ bỏ mọi chức vụ ở Mĩ để đến Việt Nam, cùng công ty Dober Upton & Associates quy hoạch và thiết kế Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ngôi trường mang vẻ đẹp mềm mại ngày nay.
Triết lý thiết kế của Phyllis Birkby đề cao môi trường và tập trung vào những người sẽ sử dụng kiến trúc đó. Bà được xem là tiên phong trong lĩnh vực mà nam giới thống trị. Năm 1994, Phyllis Birkby qua đời vì ung thư, kết thúc những nỗ lực không mệt mỏi đấu tranh cho nữ giới trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng. Ngày nay, Sài Gòn bằng cách nào đó vẫn còn lại một công trình tiêu biểu của nhân vật nổi tiếng này.
Ở khắp mọi ngóc ngách trong thành phố sôi động, chúng ta đều có thể bắt gặp những công trình tuyệt mỹ, những khối nhà cũ kỹ đầy tính sáng tạo. Cùng với đó là câu chuyện kỳ lạ của con người, bối cảnh làm nên chúng. Khi nhìn sâu vào, bạn sẽ thấy mọi thứ vẫn sống động như mới hôm qua, lung linh huyền ảo trong ánh nắng chiều.
