Đi trên đường Võ Văn Kiệt nhìn vào, thấp thoáng những tháp lưu ly và đường cong đặc trưng kiến trúc Quảng Đông trên mái, có thể bạn không nghĩ đó là chợ. Đặc biệt hơn nữa, không có chợ nào ở Sài Gòn được thiết kế với nhiều chữ nghĩa, thông điệp như thế.
Kiến trúc, nhưng dùng copy
Đa phần, các kiến trúc của người Hoa sẽ dùng đúng một ký tự, như chữ Vạn trên chợ Bình Tây chẳng hạn. Có nơi lại sử dụng chữ Phúc hay Lộc, hay Thọ hoặc hiếm khi Phúc - Lộc - Thọ cùng lúc. Tuy nhên, toàn bộ hệ thống thông gió của ngôi chợ này đều dựa trên các ký tự đúc rời, nối tiếp nhau.
Trong khi chữ Vạn hàm ý cầu may mắn kéo dài làm chủ đạo. Tầng trên cùng của tháp lại lần lượt tôn vinh Phú - Quý - Phúc - Lộc.
Ngay cả cách thiết kế này cũng rất kỳ lạ. Tuy nhiên, những gì mang đến lại là sự thông thoáng thanh tao. Những cơn gió đi vào khu vực bên trong đều xuyên qua các khái niệm may mắn, giàu sang, sung túc... rồi tỏa ra khắp nơi đến các tiểu thương bên dưới. Cứ như vậy, thịnh vượng được chia đều.
Chợ Hòa Bình
Một vấn đề lớn của ngôi chợ này là không có bất kỳ thông tin nào như niên đại, người xây dựng, lịch sử… Mọi thứ hoàn toàn bặt tăm. Nếu đem so với chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định, Bà Chiểu… với đầy rẫy câu chuyện hấp dẫn xung quanh, chợ Hòa Bình không hề kém cạnh về quy mô cũng như vẻ đẹp tráng lệ, nhưng nguồn gốc của nó lại kỳ bí lạ thường.
Trước kia, khi chợ Hòa Bình vẫn còn giữ được mái đỏ nguyên thủy, kiến trúc này rất cổ kính và sang trọng. Tuy nhiên, phần ngói âm dương còn lại trên các tháp đã phủ rêu xanh cũng đủ phơi màu thời gian. Dựa vào hệ thống đấu củng giả cầu kỳ chạy suốt chiều dọc, các chi tiết hoa văn trên cột, mái… có thể chợ Hòa Bình được xây vào những năm 1950 hoặc sớm hơn.
Kết cấu của hệ thống mái phức tạp từ bên ngoài cho đến bên trong. Sự khoa học được áp dụng trên các nguyên tắc truyền thống tạo nên vẻ đẹp chắc chắn, bề thế.
Mặc dù bên trên, tháp chia làm tám mặt, bên dưới chỉ còn năm đà kéo dài, đúng với Sinh, Lão, Bệnh, Tử rồi quay lại với Sinh. Có nhiều thông tin cho rằng chợ Hòa Bình xây theo kiến trúc Pháp - Hoa, nhưng xét về chi tiết và tổng thể, không có yếu tố Pháp nào ở đây. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy bao gồm chút Đường, Tống cổ điển, chút Quảng Đông mềm mại, hệ thống thông gió sinh động cùng những thông điệp không thể Á Đông hơn.
Chợ Hòa Bình như trốn tránh khỏi trung tâm ồn ào, nằm khuất trong khu Hòa Bình theo bản đồ quy hoạch từ trước năm 1954, giữa những con đường rất nhỏ. Ngay cả "khu Hòa Bình" cũng không còn dấu tích nào dù từng có tuyến xe điện mặt đất chạy ngang qua, trạm Hòa Bình từng tồn tại.
Dù sao, bí ẩn cũng là một sự quyến rũ độc đáo. Ngày nay, phía sau những hàng cây lớn từ Đại lộ Đông Tây, bạn có thể nhận ra thấp thoáng các cột tháp đã ngã màu xanh rêu vút lên kiêu hãnh, mềm mại và cổ kính. Đó là ngôi chợ lâu đời bí ẩn của Sài Gòn, ai đó đã xây nên nó bằng các thông điệp kỳ lạ bao quanh để những cơn gió thịnh vượng có thể xuyên qua, tỏa đi khắp nơi, đến với bất kỳ ai đang cần bên dưới.
