Người Huế hay nói một câu nổi tiếng: “Biết đủ là đủ”. Thật ra, châu Âu là nơi áp dụng chân lý này nhiều nhất. Nhiều nhà nấu bia nho nhỏ luôn được mong đợi ở Bỉ có sản lượng hạn chế từ đời này sang đời khác. Nhiều vườn nho Pháp chỉ cho ra bấy nhiêu chai vang mỗi năm và cũng không có nhu cầu làm nhiều hơn. Nếu bạn để ý kỹ, một số gia đình người Việt cũng vậy, biết đủ là đủ, biết hơn mau mệt.
Vào những sáng cuối tuần, có dịp lang thang quận 1, hãy ghé vào hai quán nhỏ đơn giản này. Chỗ ngồi chật chội thường kín người, không có chuyện ăn xong nán lại hàn huyên bởi vì luôn có người chờ sau lưng bạn. Giá cả ở đây cao chứ không thấp, nhưng ai cũng hài lòng bởi vì những gì họ được thưởng thức là độc đáo và duy nhất.
Phở “công an”
Quán phở không có tên, những người xung dân xung quanh gọi “phở Công an” bởi vì các chú công an gần đó hay đến ăn… và họ ăn say mê.
Ở Sài Gòn luôn tồn tại hai loại phở, phở Bắc và phở Nam, còn người Trung biết đủ chỉ tập trung vào bún bò. Trong khi người Bắc chê phở Nam quá ngọt, người Nam lại cảm thấy phở Bắc hơi mặn và đơn điệu. Phở Công an cân bằng tất cả.
Món được yêu thích nhất ở đây là “một tô tái vè”. Không quá mặn, không quá ngọt, mọi thứ cân bằng trong vị đậm đà sâu dai dẳng.
Hãy bắt đầu một hành trình thú vị của ẩm thực truyền thống đỉnh cao. Nếu chỉ húp một chút nước dùng, bạn sẽ bối rối vì cảm giác muốn được thưởng thức riêng mùi thơm dìu dịu lẫn trong phần nền dày khó tả này. Tuy nhiên, khi những lát bò giòn mềm mại tiếp theo mang đến vị béo đặc trưng kèm thêm chút ngọt thanh nhã lại là chuyện khác. Bạn lập tức biến thành kẻ phàm ăn khi khói bốc lên quyến rũ và các mùi rau thơm ập đến tràn ngập, đánh thức tất cả các giác quan. Khi đó hãy nhìn xung quanh, khác với nhiều quán phở khác, mọi người ở đây luôn vét đến giọt nước cuối cùng.
Phở Công an nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Bình, bảng hiệu lại là một shop bán sữa. Trong khi bạn đang thưởng thức say mê, tiếng rào rào trên đầu là những con bồ câu đang ăn thóc chứ không phải một cơn mưa trái mùa.
Mì Gia truyền
Ở số 70 Ký Con, quán mì chỉ ghi bảng hiệu “Gia truyền” thay vì tên người truyền lại. Một trong những bí quyết độc đáo nhất đã được truyền có lẽ là sợi mì.
Sợi mì ở đây rất giòn, cảm giác béo múp míp dù vẫn mềm mại, thật kỳ lạ. Khi bạn ăn phiên bản khô hoặc nước đều cho cảm nhận về sợi mì khác nhau. Trong lúc nhiều quán khác sẽ thu hút thực khách bằng topping, các loại thịt hay những thứ cộng thêm, mì Gia truyền cơ bản là quyến rũ bằng nghệ thuật làm ra sợi mì của chính mình.
Sau đó, bạn có thể khám phá tiếp vị ngọt kéo dài của nước dùng, lát cá mềm tan hoặc thịt xá xíu xen lẫn những lát gan thái nhỏ bùi bùi… một tuyệt tác mì Tàu.
Cả hai quán truyền thống này đều chỉ mở cửa buổi sáng. Riêng mì Gia truyền mỗi năm sẽ treo bảng nghỉ suốt tháng để gia đình đi du lịch. Còn phở Công an không hoạt động vào những ngày chay. Thay vì tìm cách mở rộng, phát triển thương hiệu… họ đi con đường như những nhà sản xuất bia danh tiếng ở Bỉ, tập trung vào kỹ thuật cơ bản của một quán ăn, đó là làm cho mọi thứ ngon nhất có thể.
Và mặc dù nằm trong mặt tiền chật chội, không máy lạnh, không ghế ngồi êm ái… nhưng giá ở đây đều ở tầm trung. Cũng đúng, bạn có thể thiết kế một quán ăn hoành tráng, xa hoa, nhưng thiết kế một mùi vị đặc biệt hấp dẫn lại không mấy người có thể làm được.
Một lần nữa, người Huế có cái lý riêng của mình.