Bây giờ, hãy dạo một vòng trước. Các "tiếu tượng" này đôi khi chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, nhưng nếp áo, hoa văn, ngay cả dây thắt lưng cũng không thiếu. Theo thời gian, cây dại, rêu xanh mọc xung quanh càng làm nổi bật mức độ hoàn thiện phi thường.
Tỉ lệ tinh tế và chi tiết hoàn hảo
Mặc dù loại gốm này được tạo ra từ hai thế kỷ trước, nhưng hãy nhìn kỹ các tiểu tượng này:
...một khu phố sung túc đông người. Những nhân vật phía trên có tỉ lệ nhỏ hơn phía dưới một chút làm cho tầng lầu trở nên cao hơn, xa hơn, sống động như một câu chuyện đang vừa mới diễn ra.
Sau đó, bạn có thể để ý đến thanh kiếm của nhân vật chính giữa, những hoa văn trên áo giáp của ông ta... Bên ngoài, các họa tiết này chỉ nhỏ bằng đầu tăm. Vì vậy, việc thực hiện chúng trên đất sét quả là khó tin.
Mặc dù gốm Cây Mai Sài Gòn đã thất truyền, ngày nay không ai còn có thể tái hiện sự duyên dáng tinh tế này nữa, nhưng màu xanh lưu ly đặc trưng của nó là rất quan trọng cho các đời gốm sau đó.
Gốm Cây Mai bắt đầu từ việc rất nhiều hội quán của người Hoa được xây lên vào thế kỷ 18 ở khu vực Chợ Lớn. Họ thường nhập một loại gốm tên shiwan (Thạch Loan) từ Quảng Đông sang để trang trí cho đến khi một làng gốm ra đời ở góc đường Nguyễn Thị Nhỏ, Hùng Vương, khu vực quận 6, quận 11 ngày nay. Thay vì nhập khẩu gốm, một đợt "hợp tác lao động" của các nghệ nhân Quảng Đông sang Sài Gòn diễn ra với đất sét khai thác tại khu vực Chợ Lớn, men được làm tại chỗ, nhưng một loại dầu đặc biệt gọi là “bạc dầu” vẫn phải mua từ Trung Quốc.
Mặc dù cùng nguồn gốc Quảng Đông, nhưng gốm ở xóm Cây Mai không hẳn giống y như shiwan. Bạn có thể nhìn hình ảnh bên dưới, gốm shiwan ở Hồng Kông, chỉn chu, sắc nét hơn nhưng yếu tố "tiếu" so với Việt Nam lại không thể sánh bằng:
Sự phổ biến của gốm Cây Mai
Vào thế kỷ 19, gốm Cây Mai tỏa đi khắp miền Nam, cung đình Huế và xuất khẩu sang tận Pháp.
Với kỹ thuật mà ngày nay người ta dùng để trang trí bánh sinh nhật, những nghệ nhân gốm đã thay kem bằng đất sét để tạo nên các quần thể vui mắt đầy năng lượng trải dài với độ tinh xảo đỉnh cao. Đó có thể là những câu chuyện kể, tuồng tích, trích đoạn kinh kịch hay miêu tả sinh hoạt đời sống đương thời...
...cho đến một bài thơ của Lý Bạch:
Ngoài các loại gốm trang trí, kiến trúc, thờ cúng, gốm Cây Mai cũng cho ra đời những loại dùng cho sinh hoạt hằng ngày như chén bát, bình trà, chai rượu, ấm nước... Một số lượng các tác phẩm mỹ thuật đồ sộ trở thành những món đồ cổ được giới yêu mỹ thuật say mê.
Sự suy tàn của gốm Cây Mai
Nhiều biến cố lớn trong lịch sử Việt Nam làm cho gốm Cây Mai dần tụi tàn. Nguồn nguyên liệu, các đợt di cư xa ra khỏi thành phố hoặc độ khó của nó cũng là một trong những nguyên nhân. Ngày nay, nhiều lò gốm Bình Dương, Biên Hòa... có thể tái hiện chất men và màu sắc của gốm Cây Mai nhưng khả năng chi tiết cùng độ thẩm mỹ sống động như vậy thì không.
Ngay cả những gì còn lại ở các hội quán người Hoa cũng bắt đầu xuống cấp. Nhiều chi tiết rơi rụng không thể phục hồi, cụ thể ở đây là... đầu:
Tại hội Đình Minh Hương Gia Thạnh, ông tơ bà nguyệt trên nóc này này đã bị đánh cắp và đây là bản thay thế từ một nhà tài trợ:
Để chiêm ngưỡng ở khoảng cách gần nhất những quần thể vui mắt này, bạn có thể đến Quảng Triệu Hội quán ở số 156 đường Võ Văn Kiệt quận 1 hoặc Tuệ Thành Hội quán số 710 Nguyễn Trãi quận 5. Việc tận mắt nhìn thấy các đường nét thủ công kỳ thú này mang đến cảm giác tương tự như bạn đang lật một quyển sách cổ, từng trang từng trang, từng câu chuyện từng câu chuyện... Và như bất kỳ quyển tiểu thuyết nào, luôn có niềm vui nhẹ nhàng len lỏi bên trong.
Bài viết có tham khảo tài liệu của:
- Nghệ thuật tạo hình tượng Giám Trai bằng gốm chùa Giác Viên TP.HCM - Nguyễn Thị Thu Tâm - Trường Đại học Sài Gòn
- Xóm Lò Gốm xưa - Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu