Nhắc đến món Nhật, hẳn mọi người đều nghĩ ngay đến cuộn sushi và những lát sashimi thần thánh. Nhưng không, sushi vẫn là thực đơn đắt tiền đối với họ. Hãy thử tưởng tượng, các bà vợ Nhật dù rảnh, cũng không siêng đến nỗi ngồi cuộn cuộn cả ngày chờ chồng về. Sushi là điều gì đó khá đặc biệt, rất kimochi (kimochi trong tiếng Nhật diễn tả một cảm giác tích cực, phấn khích lành mạnh), kiểu như ở Sài Gòn lâu lâu bạn ăn phở hay bún bò chứ không ăn ngày này qua tháng nọ. Bình thường các bà vợ Nhật nấu ăn gần như người Việt, thịt kho, cá chiên, gan heo xào giá hẹ… Cũng không thật sự kimochi mấy.
Nhưng cũng có những món giản dị cuối tuần hoặc trong một chiều mưa gió, người Nhật thưởng thức trong sự phấn khích và Sloth tin bạn cũng sẽ vậy. Hãy đến với motsunabe, lẩu lòng bò Nhật Bản, dành cho những người Nhật bình dân.
Các bạn biết đấy, những con bò rất hiền hòa và tốt bụng. Cả cuộc đời bò hy sinh hết cho con người: cho sữa, đẻ con rồi khi không còn cho được gì nữa thì đến thịt, chưa con bò nào chết vì già cả. Vì thế, bò có một tấm lòng cao cả và khá dài. Bởi vậy món motsu thường chỉ dùng một phần ruột non chứ không phải hết cả đoạn dài kia như lẩu lòng bò Hàn Quốc. Đó là đoạn béo nhất, ngon nhất.
Xuất xứ món lẩu lòng bò Nhật
Món motsunabe ra đời ở tỉnh Fukuoka vào những năm 1945, nơi các công nhân cần lao đã tiết kiệm thực phẩm bằng cách dùng lòng bò nấu kỹ trong nồi sau đó chấm với nước tương shoyu. Về sau món ăn này được cải tiến thành lẩu để tăng thêm hương vị và độ thơm ngon của các thành phần trong đó.
Dù là món bình dân nhưng lẩu motsunabe về sau trình bày một cách đẹp mắt với phần nội tạng bò và trang trí bằng những sợi hẹ, ớt, nấm kim châm, bắp cải … giúp tạo sự bắt mắt và trong một số trường hợp nó không còn bình dân nữa.
Thưởng thức Motsunabe
Hương vị của món lẩu này phụ thuộc nhiều vào hương vị phần súp nền nhằm mang đến sự thanh ngọt đúng phong cách ăn của đại đa số người Nhật nói chung, không phân biệt giàu nghèo. Ở Nhật Bản có ba loại súp tiêu biểu: vị tương shoyu, miso và muối. Mỗi một loại súp sẽ có hương vị đặc trưng khác nhau.
Đối với tương Shoyu sẽ mang sự đậm đà và hương thơm đặc biệt của phần tảo bẹ, cá ngừ… Vị miso sâu sắc, đầy đủ từ nhiều thành phần khác nhau; trong khi vị muối sẽ giúp món lẩu dậy lên cảm giác nguyên bản của từng thành phần trong món ăn một cách đậm đà nhất.
Nhìn chung, nếu là người Việt, thông thường trong lần đầu tiên nếm thử món này, đa phần sẽ không đáp ứng được kỳ vọng, không kimochi chút nào cả. Tuy nhiên, sang lần thứ hai bạn sẽ ghiền hẳn. Rất là kimochi!
Điều này chủ yếu đến từ việc món motsunabe nhìn vào khá nhiều rau, phần lòng bò nhạt với sự hiện diện khiêm tốn. Lẩu lòng bò có thể ăn kèm mì ramen, nhưng các quán Nhật chính gốc ở Sài Gòn vẫn giữ đúng phong cách truyền thống, đó là khi bạn ăn xong các thành phần trong nồi, quán mới mang mì ra sau cùng, ăn chung với nước dùng lúc này khá sánh đặc. Tuy nhiên, bạn có thể gọi mì và ăn ngay từ đầu theo kiểu Việt Nam. Cũng rất chi là kimochi nhé!
Đôi khi, nguời ta có thể tăng lượng protein bằng cách gọi thêm phần cá hồi ăn kèm. Nếu làm vậy, bạn là một người Nhật giàu.
Món motsunabe nước dùng đậm đà, mỡ lòng bò béo ngậy tan trong miệng trong khi phần còn lại dai, giòn rất giống khẩu vị Việt Nam. Các loại rau thanh ngọt điểm xuyết suốt quá trình thưởng thức. Chưa kể đó là món ăn đầy collagen, sau khi bước ra khỏi của bạn sẽ thấy mình đẹp hẳn.
Ở Sài Gòn có vài quán Nhật bán món motsunabe, tuy nhiên bạn hãy đến Suzunoya đường Thái Văn Lung vì ở đây vị rất giống với Fukuoka. Nên bắt đầu với vị súp miso cay. Kimochi đấy! Chỉ có điều không hiểu sao quán Nhật nghèo và món Nhật nghèo giá cả gần gần với Nhật giàu. Chắc do nghèo…
Hãy thử motsunabe lần đầu vào cuối tuần này. Còn với các bạn đã ăn qua món này, chúc kimochi nhé!