Ẩm thực thế giới liên tục biến đổi. Tuy nhiên có vẻ như ẩm thực Việt Nam đi với tốc độ còn nhanh hơn. Những món mới liên tục xuất hiện và chinh phục mọi người, trong đó có thể kể đến cà phê trứng, bánh mì thanh long, phở trộn…
Tuy nhiên sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua một món ăn vặt nhỏ, khoa học và đầy đặc trưng Việt Nam: Bánh tráng trộn.
Không ai biết dì Năm, cô Tám hay chú Bảy nào đã phát minh ra bánh tráng trộn, đến nỗi cái tên của nó cũng thật vô tình, kiểu như đem bánh tráng đi trộn với vài thứ nào đó, vậy là chúng ta có món Bánh tráng trộn say đắm lòng người.
Hãy bắt đầu với “Rice Paper”
Đầu tiên, muốn làm ra bánh tráng trộn, bạn phải có bánh tráng đã.
Thật ngạc nhiên khi những người nước ngoài đến Việt Nam cũng mê mẩn món ăn này. Và họ gọi nó là "Mixed Rice Paper". Tất nhiên nếu dựa vào cấu trúc món ăn, điều này hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng hẳn bạn sẽ thấy kỳ lạ khi biết thế giới chỉ dùng “Rice Paper” cho Việt Nam với hàm ý món ăn, còn trên các khu vực còn lại, từ này để chỉ một loại giấy xuất phát từ Trung Quốc.
Câu chuyện thật dài dòng. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, Trung Quốc bán những bức tranh của mình sang Châu Âu. Chúng nhanh chóng được đón nhận và sử dụng như đồ trang trí trong nhà. Những bức họa này được vẽ trên một loại giấy cả Châu Âu đều không biết nguồn gốc. Để gọi tên, mọi người dựa trên suy đoán đơn giản rằng nhiều khả năng nó được làm ra từ cây lúa, bởi Trung Quốc trồng rất nhiều lúa. Thế là cái tên Rice Paper ra đời. Cho đến khi nó quá phổ biến, Châu Âu chợt phát hiện ra loại giấy Trung Quốc kia được làm từ cây Thông Thảo (Tetrapanax papyrifer). Nhưng có vẻ quá muộn để thay đổi, hoặc Rice Paper dễ phát âm hơn.
Sau đó thế giới tiếp tục dùng lại cái tên Rice Paper một lần nữa, nhưng lần này cho Việt Nam. Họ ngạc nhiên khi bắt gặp một thứ được làm ra từ cây lúa thật, bề ngoài mỏng mờ trông như tờ giấy, nhưng không dùng để vẽ mà để ăn. Người Việt gọi đó là bánh tráng.
Nguồn gốc bánh tráng…
Không có tài liệu nào ghi lại thời gian cũng như hoàn cảnh ra đời của bánh tráng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử đặt giả thuyết bánh tráng xuất phát từ thời Trần. Khi người Việt vào miền Trung và vua Chăm đã ếm bùa tất cả nguồn thực phẩm, nước uống. Lúc bấy giờ quân dân Việt ai nấy đều xanh xao kiệt sức vì một người Trung Quốc nổi tiếng có tên là... Tào Tháo.
Sau đó, người dân phải sử dụng bùa của Thái Thượng Lão Quân để trừ, trước khi ăn vẽ bùa vào giấy và đốt. Ăn uống như thế lại quá nhiêu khê, người ta đành gói ghém chiếc bùa vào một thứ sau này gọi là Bánh Tráng. Chỉ việc cuốn thực phẩm vào lá bùa và ăn luôn.
Vì vậy ở Bình Định, khi đổ bột lên mặt khuôn, bao giờ người thợ cũng vạch 5 vạch ngang và 4 vạch dọc.
Đó là kiểu bùa “Tứ tung, ngũ hoành” để trừ cách ếm bùa của người Chăm.
Ban đầu cái tên bánh tráng được dùng trên cả nước. Cho đến thời chúa Trịnh, không hiểu sao bố mẹ chúa lại đặt tên cho chúa là Tráng, chúa Tráng. Mà chúa thì không thể mang ra để gói tôm gói thịt, lại càng không được nướng với chiên. Vì vậy bánh tráng phải đổi tên thành bánh đa ở khu vực phía Bắc. Dù vậy, ngày nay phía Bắc vẫn gọi "Bánh tráng trộn" chứ không phải "Bánh đa trộn". Cũng may chúa Tráng đã chết từ rất lâu rồi.
Những làng nghề bánh tráng còn hiện diện đến nay cũng đã có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Tức rất lâu trước khi thế giới biết đến "Rice Paper" của Trung Quốc. Và bánh tráng cũng thuộc loại phát minh thật ngầu của người Việt nếu xét đến tính ứng dụng và độ... ngon của nó!
… cho đến những phiên bản ăn vặt đầu tiên.
Theo những cuộc di dân thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, bánh tráng được mang đến nhiều nơi, mỗi nơi đi qua lại biến đổi chút ít để phù hợp hơn với văn hoá ẩm thực của địa phương. Dần dần bánh tráng không những xuất hiện trong các bữa chính để trừ tà mà còn được dùng với các hình thức mới mẻ khác. Có thể kể đến như bánh đa vừng Thanh Tường, bánh tráng sắn Quế Sơn, bánh tráng dừa Tam Quan, bánh tráng Sữa Mỹ Tho…
Cách mọi người nghĩ về nó cũng thú vị không kém, ví dụ như:
Dì Hai ơi hỡi dì Hai
Miệng nhai bánh tráng, miệng nhai cùi dừa (Không hiểu sao dì Hai không cuộn lại với nhau cho gọn)
Hay:
Muốn ăn bánh tráng cho giòn
Muốn thương cô gái cho tròn lòng trinh
Sự xuất hiện của phiên bản nổi tiếng trendy hơn cả: Bánh tráng trộn
Một phát minh huyền thoại của Tây Ninh: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo cho các anh bộ đội trong rừng thực phẩm cũng như tính gọn nhẹ cần thiết, bà con nơi đây đã sáng chế ra món muối tôm trứ danh. Sau khi kết thúc chiến tranh, loại gia vị này trở nên cực kì phổ biến và được yêu mến rộng rãi.
Tây Ninh, Củ Chi cũng là vùng sản xuất tất cả các loại bánh tráng nổi tiếng ở miền Nam. Ban đầu bánh tráng được làm ra thủ công và có hình tròn. Sau này máy làm bánh tráng xuất hiện, nhưng nó chỉ có thể sản xuất phiên bản hình vuông. Người dân Tây Ninh cắt thành hình tròn cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Những mảnh vụn dư thừa được kết hợp cùng muối tôm địa phương và mọi người đã có phiên bản bánh tráng trộn đầu tiên.
Sau đó, với khả năng sáng tạo cùng niềm vui ăn uống vô tận, miền Nam tiếp tục dùng thêm các loại topping như trứng cút, khô bò, đậu phộng, sa tế... Và cuối cùng chúng ta có món bánh tráng trộn hoành tráng như bây giờ.
Bánh tráng trộn phản ánh đúng sự khéo léo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam: đầy đủ tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin... hòa quyện trong một kiểu cân bằng của vị giác. Chút chua, chút ngọt, chút mặn, chút cay... và lại còn rẻ tiền nữa. Không chỉ trên những đường phố Sài Gòn dễ thương, bánh tráng trộn được mang đến những vùng đất xa xôi như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... Và tất nhiên nó luôn được đón nhận bằng tất cả niềm vui ăn vặt diễn ra mỗi ngày.
Sau cùng như bạn đã thấy, không chỉ riêng món bánh tráng trộn mà những chiếc bánh tráng của Việt Nam cũng đã trải qua một quãng đường rất dài cho đến ngày nay. Trong quá trình đó, chúng phản ánh tất cả lịch sử, văn hóa, sự sáng tạo, niềm vui... của những người Việt vô danh - những người đã nghiên cứu và phát triển rất nhiều món ăn độc đáo để ghi tên Việt Nam vào bản đồ ẩm thực danh tiếng thế giới.