Xã hội Nhật Bản có rất nhiều quy tắc. Ví dụ như in hẳn một bộ cẩm nang hướng dẫn cầm đũa
Người Nhật đã tìm ra cách thức ổn thỏa để không trả lời những câu hỏi đó. Thay vì thế, họ chấp nhận và rút ra bài học từ nó, những điều nhỏ xíu trong cuộc sống. Thử xem bạn có đồng ý với họ không nhé.
1. Hare và Ke 「ハレとケ」
Bộ lịch cổ của Nhật phân một năm làm 24 mùa. Nhưng giống như bao dân tộc khác, người Nhật yêu mùa xuân. Không phải ngẫu nhiên mà năm tài chính và năm học của Nhật Bản bắt đầu vào tháng tư, tháng hoa đào nở rộ, biểu tượng của sự đổi mới và tái sinh.
Nếu mùa xuân là quan trọng, mùa đông cũng đặc biệt không kém. Điều đó phản ảnh trong triết lý Hare và Ke. Từ "Hare" được dịch như nắng đẹp hoặc thời tiết tốt. Nó cũng đại diện cho những ngày đặc biệt, dịp đặc biệt. Trong khi đó, chữ "Ke" có nghĩa là đời thường khiêm tốn, ngày bình thường. Hai điều tương phản tuyệt đẹp của cuộc sống.
Sự tương phản làm cho cuộc sống thú vị hơn và nó giữ cho chúng ta sự tập trung. Bằng cách phân biệt rõ ràng hai mặt đối lập, mọi người có thể cảm nhận được nhịp điệu trong cuộc sống.
Tư duy đối lập có thể là một bài tập hữu ích khi nảy ra ý tưởng. Thách thức các giả định về những vấn đề mà chúng ta đang cố gắng giải quyết và suy nghĩ từ các góc độ khác nhau thường, dẫn đến những ý tưởng mới mẻ, không rõ ràng. Kiểu như bạn không có việc làm, ngụp lặn với số tiền ít ỏi còn lại cho đến khi một quyết đinh khởi nghiệp ra đời dẫn đến thành công, (nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được hình thành trong quá trình thất nghiệp). Sau cơn mưa, trời sáng.
2. Uramasari 「裏勝り」
Trong thời kỳ Edo (thế kỷ 16-17), người dân Nhật Bản bị cấm mặc quần áo sang trọng, không được phép có màu sắc hay hoa văn lòe loẹt. Lệnh cấm này đã gây ra một phong trào phản đối mang tên "Uramasari" của những người yêu thích thời trang. Từ "ura" có nghĩa là đảo ngược.
Miễn những bộ kimono trông đơn giản bên ngoài, xem như không phạm luật. Vì vậy mọi người đã nghĩ ra những cách thông minh để tận hưởng thời trang. Các nhà sản xuất kimono sử dụng màu sắc và hoa văn lộng lẫy trên lớp lót bên trong, nơi nó được giấu kín. Theo trào lưu, mọi người bắt đầu chú ý nhiều đến "Ura", bên trong nhiều hơn bên ngoài.
Trong khi địa vị, vẻ hào nhoáng là cách giới thượng lưu thể hiện sự giàu có ra bên ngoài, thì Uramasari giống như kiểu thời trang vô hình, một cách tận hưởng thú vị chỉ dành cho chính người mặc chứ không phải những người ngoài quan sát. Đó là ý tưởng chú ý đến những thứ không thể nhìn thấy và quan tâm đến những chi tiết ẩn giấu. Hãy dành điều thú vị sâu kín nhất cho riêng chính mình, để lặng lẽ tận hưởng nó trước một thế giới ồn ào dễ đoán.
3. Aida 「間」
Aida là một khoảng trống, nhưng nó không vô nghĩa. Aida có thể hiểu theo hai cách: khoảng không gian giữa hai sự vật hoặc khoảng thời gian giữa hai sự kiện.
Bạn có thể thấy khi hai người võ sĩ giao đấu, giữa họ luôn tồn tại một khoảng trống tràn đầy năng lượng. Trong âm nhạc, các bản phối đôi khi sử dụng một cao trào và sau đó là khoảng dừng lặng im để bắt đầu sang phần hấp dẫn tiếp theo. Khoảng trống rất quan trọng trong toàn bộ bố cục cuộc sống.
Aida dường như cũng là khái niệm rất thực tế để mô tả các mối quan hệ giữa con người. Bản thân khoảng trống là vô hình và trống rỗng nhưng nó tạo điều kiện nền tảng giúp thấu hiểu sự quan trọng của người còn lại đối với chính mình hay ngược lại.
Việc cố ý tạo khoảng trống trong tâm trí sẽ tạo cơ hội cho sự mới mẻ và những ý tưởng đột phá. Giống như việc cây cối cần không gian, chúng ta cũng cần không gian. Không gian trong cuộc sống và chính mình để sẵn sàng cho những bắt đầu mới.
4. Mottainai「勿体無い」
Bản dịch của từ này có thể là “Thật lãng phí!” hoặc “Đừng lãng phí”. Hoặc có thể là một mệnh lệnh: “Đừng vứt đi, nó vẫn có thể hữu ích”.
Đây là triết lý cổ của Nhật, ngày nay sẽ đồng nghĩa với: giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. Nhưng có thêm sự Tôn trọng trong "Mottainai".
Tinh thần Mottainai tồn tại trong nhiều phần của văn hóa Nhật. Một ví dụ điển hình về điều này là nghệ thuật Kintsugi, nghề sửa chữa đồ gốm sứ. Bằng cách sử dụng vàng để hàn gắn, món đồ đã vỡ tan kia càng trở nên đẹp đẽ hơn.
Nếu nhìn vào những gì phía trên, bạn sẽ thấy triết lý Mottainai mang tinh thần thật kỳ lạ, kiểu như những đổ vỡ trở nên đẹp như thế nào nếu chúng ta vẫn còn muốn giữ gìn chúng.
5. Wabi-Sabi 「侘び寂び」
Nếu được chọn một triết lý để đại diện cho cảm nhận về cái đẹp tinh tế của người Nhật, đó sẽ là Wabi-Sabi. Ý nghĩa của Wabi-Sabi có thể khó nắm bắt, nhưng đây là quan điểm chung về nó.
Những từ chồng chéo này ban đầu là những khái niệm riêng biệt.
Wabi dịch trực tiếp có nghĩa "xin lỗi" hoặc "cảm thấy kém cỏi". Bạn sẽ thấy nhiều người Nhật nói một cách lịch sự. Ví dụ: “Xin lỗi vì bạn đã phải đi cả quãng đường dài đến đây” hoặc “Xin lỗi, chúng tôi không có món ăn đặc biệt nào để đãi bạn”... Đó là tinh thần khiêm tốn đối với cuộc sống nói chung. Wabi nhìn thấy vẻ đẹp trong sự thiếu thốn. Cuối cùng, nó thể hiện sự phong phú của trái tim, một cảm giác thanh thản đến từ việc suy nghĩ ít hơn là đủ.
Mặt khác, Sabi trực quan hơn. Nó có nghĩa đen "rỉ sét" hoặc "hư hỏng theo thời gian". Ý nghĩa sâu xa hơn của Sabi là tìm thấy giá trị trong thứ gì đó đang già đi. Các vật thể già đi theo thời gian là điều tự nhiên và sự hao mòn này thể hiện kinh nghiệm quý giá. Không hoàn hảo được xem là vẻ đẹp duyên dáng.
Wabi-Sabi cùng nhau đại diện cho một nhận thức - một trạng thái không phán xét khi quan sát thế giới. Đó là việc “vui vẻ với những điều không hoàn hảo” và tôn vinh mọi thứ như hiện tại.
Ngày nay, chúng ta bị bao quanh bởi tràn ngập những thông tin nhắc nhở một cách khắt khe về cuộc sống bất toàn của mình; nên cải thiện điều gì – giảm cân, tìm một công việc tốt hơn, mua chiếc áo này, cần loại kem chống lão hóa kia...
Wabi-Sabi cho mọi người góc nhìn của một tâm hồn cởi mở khi chấp nhận những thăng trầm trong cuộc sống, hướng tới sự tiến bộ chứ không phải sự hoàn hảo.
Điều này không có nghĩa là Wabi-Sabi nói về sự cẩu thả hay lười biếng đối với cuộc sống, mà là một sự thúc đẩy tinh tế hướng tới việc thư giãn bên trong. Chúng ta cần có sự cân bằng tốt hàng ngày để biết khi nào nên lùi lại, tạm dừng và quan sát những cảm giác kín đáo nhẹ nhàng của chính mình.