Quần quần áo áo và tất tần tật

1. Bộ quần áo đầu tiên mà thế giới ghi nhận có niên đại vào khoảng từ 100.000 đến 500.000 năm trước. Vậy còn trước đó thì sao? Thì... thôi thôi, con người rất đơn sơ.

2. Thời Hy Lạp cổ đại, các vận động viên thường tập thể dục khỏa thân. Từ "gym" chúng ta hay dùng thực ra bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “gymnos, nghĩa là “khỏa thân”. Tất nhiên, ngày nay người ta tập gym ... có mặc quần áo, cả ở Hy Lạp và Việt Nam.

3. Vào thế kỷ 18, áo sơ mi nam được coi như đồ lót – do đó chúng không được mặc mà không có áo khoác bên ngoài.

4. Bộ áo tắm mà chúng ta thường gọi là "bikini" được đặt tên theo hòn đảo Bikini Atoll , nơi quân đội Mỹ sử dụng để thử bom trong Thế chiến II. Người tạo ra bikini, Louis Réard, tin rằng thiết kế mạo hiểm của mình sẽ tạo ra một cú sốc giống như bom nguyên tử lúc bấy giờ, đó là lý do tại sao ông chọn cái tên đó.

5. Eyeliner mặc dù đã có từ rất lâu, nhưng thực tế ít người dùng nó cho đến năm 1922, một sự kiện trọng đại đã xảy ra. Các nhà khảo cổ phát hiện ra lăng mộ vua Tutankhamun ở Ai Cập, không hiểu sao lúc này giới trẻ bắt đầu say mê bởi phong cách kẻ mắt kiểu Ai Cập. Vậy là eyeliner nổi lên từ đó cho đến ngày nay.

Quần quần áo áo và tất tần tật

6. Trong văn hóa Ả Rập, giày bị coi là dơ bẩn vì chúng che phần thấp nhất của cơ thể và chạm vào đất. Do đó, việc ném giày vào người khác được xem như hành vi xúc phạm nghiêm trọng. Thật ra trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, ném giày vào ai cũng nghiêm trọng, nhất là ném trúng.

7. Cho đến đầu thế kỷ 20, ở Trung Quốc và cả Việt Nam nữa, bàn chân nhỏ được coi là đẹp, đó là lý do tại sao nhiều cô gái phải bó chân. Tất nhiên, chỉ những người giàu có hoặc địa vị cao mới có thể làm vậy, vì người lao động cần bàn chân to hơn, dễ đi đứng hơn.

8. Cho đến Thế chiến thứ 2 ở Châu Âu, phụ nữ không được phép mặc quần đùi ở nơi công cộng. Còn ở Việt Nam, mặc dù không có văn bản cấm chính thức, nhưng mãi đến thập niên 90, phụ nữ mới bắt đầu mặc quần đùi ra ngoài và ngày nay chúng có xu hướng càng ngắn hơn, có khi không che nổi... hai túi quần trước.

Quần quần áo áo và tất tần tật

9. Ở Nhật Bản, kimono chỉ được mặc vào những dịp trang trọng. Tuy nhiên, các đô vật sumo là những người duy nhất được yêu cầu mặc trang phục truyền thống vào bất kỳ dịp nào khi họ xuất hiện ở nơi công cộng, trừ khi thi đấu.

10. Áo dài Việt Nam được xem là một trong những bộ quốc phục đẹp nhất thế giới. Thiết kế kỳ diệu của nó làm cho bạn dường như thấy tất cả, nhưng thực chất lại không thấy gì.

11. Điều kỳ lạ của áo dài, đó là trong gần trăm năm tồn tại của nó, rất nhiều nhà thiết kế tên tuổi đã tìm cách biến tấu, cách điệu cho nó khác đi. Tuy nhiên chưa bao giờ có thể vượt qua phiên bản cũ. Áo dài nguyên mẫu vẫn là đẹp nhất.

Quần quần áo áo và tất tần tật

12. Cuối cùng, cho dù người ta cố gắng thêu hoa, kết cườm, vẽ vời... lên chiếc áo dài. Tuy nhiên, phiên bản đẹp nhất lại là của học sinh trung học. Chỉ đơn giản màu trắng trơn và không có gì hết trên đó.