Huyền thoại Mì gõ

Ai cũng ít nhất vài lần trong đời ăn mì gõ. Nhất là thế hệ 7x, 8x, những người ăn mì gõ từ khi tiếng kêu tươi tắn giòn tan vang khắp các ngõ hẻm trong ngày lạnh giá lẫn đêm mưa dai dẳng. Cho đến ngày nay, khi vẫn còn gọi “mì gõ” nhưng không còn âm thanh nào nữa, tiếng gõ mất hút trong sự nhộn nhịp ngày càng lớn hơn của Sài Gòn.

Giống như hầu hết những món ăn truyền thống khác, mì gõ đi một chặng đường dài. Từ cách chế biến, phục vụ cho đến âm thanh của hai thanh tre gõ vào nhau theo một nhịp điệu đánh thức cơn đói của mọi người. Có những thứ mất đi, nhưng có những thứ không thể nào phai nhạt. Mì gõ không có gì nổi bật, nhưng đó là món ăn đặc biệt ngon mãi với thời gian.

Mì gõ rất xưa

Không có tài liệu chính thống nào ghi nhận sự ra đời của mì gõ. Chỉ biết rằng món ăn dân dã này xuất hiện trước năm 1975. Nếu xét trên thành phần sợi mì vàng tròn, cách làm ngọt nước dùng bằng củ cải trắng, thịt xá xíu cắt lát mỏng bên trên, nhiều khả năng mì gõ có nguồn gốc từ người Hoa hơn là người miền Trung như cách nghĩ của mọi người hiện nay.

Huyền thoại Mì gõ


Trong thời kỳ này, tô mì khá nhỏ, phần topping cũng vừa đủ. Mọi người chỉ có thể ăn dặm thêm khi đêm xuống chứ không dùng như bữa chính được. Đặc biệt, giá của một tô mì ở mức rẻ, nhưng không thuộc diện rất rẻ như sau này.

Mì gõ xưa

Những năm thập niên 90 chứng kiến sự phát triển của mì gõ cả về chất lượng lẫn số lượng xe (độ lớn tô mì giữ nguyên). Khắp thành phố, khi màn đêm buông xuống, dễ dàng nghe tiếng “tóc tóc” của hai thanh tre. Sau đó là tô mì lưng lửng, nước vừa qua khỏi nửa tô một chút tiện cho việc vận chuyển, sợi mì giòn, chút giá hẹ, vài lát thịt cắt không thể nào mỏng hơn, hành khô tóp mỡ thơm lừng. Khi cảm nhận được hương vị ngọt đặc trưng của nước dùng, chút béo của chính sợi mì thì tóp mỡ cũng vừa kịp tan nhanh… lát thịt quý giá để lại dư âm mặn ngọt sau cùng. Tất cả hương vị này hòa quyện với nhau hài hòa quyến rũ trong tô mì giá bình dân ai cũng có thể thưởng thức được.

Lúc này, nói đến mì gõ, phải kể đến nghệ thuật giao hàng. Một chú bé đi bộ gõ lóc cóc hai thanh tre, nhận đơn hàng chậm rãi. Nhưng màn trở lại mới thật sự ấn tượng. Một tay chạy xe đạp để mì kịp nóng. Tay kia đỡ chiếc mâm với những tô, trên đầu mâm khác cũng với số lượng tương đương, chậm rãi (nhanh quá các lát thịt bay mất) khéo léo như một nghệ sĩ từ đoàn xiếc trung ương giao từng tô mì thượng hạng đến tận nhà, bất kể nắng mưa giá rét. Chuyện này dù những chú bé kia làm mỗi ngày, nhưng nó đủ khó. Nếu không có chút năng khiếu, hãy tưởng tượng, tóc xoăn mì tôm ấn tượng phá cách trẻ trung là có thật.

Xe mì gõ thường không dừng một chỗ lâu bao giờ. Hôm nay thưởng thức cảm thấy ngon, hôm sau nhiều khi đã dời sang nơi khác… Chuyện ăn mì cũng là một cái duyên.

Mì gõ bây giờ

Ngày nay, mì gõ không… gõ nữa. Biên chế xe mì thường chỉ có hai người, đầu bếp và bưng bê. Sài Gòn mỗi lúc một đông, chiếc xe ở nguyên một chỗ phục vụ cũng đủ bận rộn. Thêm nữa đường xá nhộn nhịp nhiều cạm bẫy bất ngờ, đầu mì tôm cá tính xảy ra lúc nào không biết.

Huyền thoại Mì gõ

Gần như không còn xe mì gõ truyền thống chỉ phục vụ mì, những người con miền Trung vào Nam rất thích bán mì gõ, và họ thường thêm vào hủ tiếu, bánh canh… Khi số lượng tăng lên, chất lượng có chút suy giảm. Bù lại, để làm ấm lòng công nhân, sinh viên, người lao động… tô mì ngày nay nhiều dưỡng chất hơn. Có hẳn bò viên, giò, xương… Nhưng khó tìm được độ giòn của sợi mì đặc trưng hay cái cách tóp mỡ tan ra cùng lúc với các hương vị hòa quyện khác.

Huyền thoại Mì gõ
Ngay cả dưới một biệt thự sang trọng như thế này, vẫn có thể bắt gặp một xe mì.

Dù sao đi nữa, thời của những tiếng gõ thanh lịch cũng qua. Bởi vì đêm Sài Gòn mỗi lúc một ồn ào náo nhiệt hơn. Âm thanh chỉ hai thanh tre chạm vào nhau là không đủ để len lỏi vào các ngõ hẻm. Dường như xe mì ngày xưa đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuy vậy, trong những ngày lạnh giá, trong những cơn mưa đêm tưởng chừng như không thể nào chấm dứt, nếu ai đó vẫn đang lang thang trên đường trong cơn đói bất chợt, chắc chắn đều có thể tìm thấy ở những góc đường chiếc xe nhỏ còn đỏ lửa. Ghé vào mì gõ thôi!

Huyền thoại Mì gõ
Huyền thoại Mì gõ

Tác giả: Linh Đô