Người Ấn di cư có thể không được người Pháp trắng chào đón. Nhưng không vì thế mà họ rụt rè khẳng định sự hiện diện của mình ở Sài Gòn. Bên cạnh ẩm thực, những ngôi đền Hindu đã để lại dấu vết văn hóa sâu sắc, tạo nên tín ngưỡng tôn giáo không chỉ ý nghĩa với người Ấn trong quá khứ, mà còn ảnh hưởng đến cả người Việt hiện tại.
Hindu giáo có khá nhiều vị thần, mối liên hệ của họ chồng chéo và rắc rối không kém Thần thoại Hy Lạp. Trong khi Hy Lạp có ba anh em nhà Zeus, Hindu cũng có bộ ba quyền lực, trung tâm để xuất hiện những vị thần khác: Brahma - Đấng sáng tạo, Vishnu - Đấng bảo tồn, Shiva - Đấng sáng tạo và hủy diệt. Tuy nhiên, phía Hy Lạp đông đúc do sự đào hoa quá độ của các vị thần chính. Đối với Hindu giáo, đa số các thần đều lập gia đình nhưng tuân thủ chính sách một vợ một chồng, con cái cũng ít hơn. Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ mỗi vị thần lại có nhiều hiện thân khác nhau để duy trì sự cân bằng của vũ trụ và truyền đạt những lời răn dạy.
Hãy cùng tham quan những ngôi đền Hindu của người Ấn ở Sài Gòn để hiểu thêm về tôn giáo này nhé! Bắt đầu với ngôi đền rực rỡ và đông đúc nhất.
Đền bà Mariamman
Nữ thần Mariamman là vợ của thần Shiva. Bà được tôn thờ với ba vai trò: nữ thần thời tiết, nữ thần chữa các bệnh tật và thần sinh sản. Ngôi đền tuyệt đẹp của bà nằm trên đường Trương Định, với tường đỏ bao quanh cùng các bức tượng chi tiết rực rỡ dưới những tán lá xanh.
Đền bà Mariamman có phần mái cầu kỳ đặc trưng của kiến trúc Dravida, phổ biến ở miền Nam Ấn Độ. Chỉ riêng ngọn tháp ở cổng, người Ấn đã miêu tả rất sống động vẻ tôn nghiêm, đời sống phong phú của các vị thần, nhấn mạnh chủ nhân ngôi đền - bà Mariamman cưỡi sư tử ở chính giữa dưới cùng, hai bên trái phải bà là các con trai bà: thần Ganesha và Murugan. Lên cao dần là hình ảnh những vị thần nữ đang canh giữ:
Những bức tượng điêu khắc tinh xảo trên từng chi tiết trên quần áo, trang sức, đặc tả sống động sự hiện diện của các thần linh trong cách thức gần gũi nhất với con người.
Để cảm nhận sự linh thiêng độc đáo của ngôi đền, bạn có thể đến vào lúc mười giờ sáng hoặc bảy giờ tối, khi diễn ra lễ rước thần lửa Agni. Người theo đạo Hindu tin rằng thông qua ngọn lửa thiêng, mong ước của họ sẽ được những vị thần nghe thấy, ban bình an, phước lành. Vào những giờ này, rất đông người Việt cũng đến cầu xin.
Đền bà Mariamman được xây dựng giản lược theo kiến trúc của đền Dravida. Điện chính thờ bà, hai bên trái phải thờ hai vị thần bảo hộ. Sau khi hành lễ ở điện chính, theo đúng nghi thức chúng ta phải tiếp tục đi từ phải sang trái của điện để cầu nguyện. Xung quanh lối đi này là hình ảnh mười tám vị thần khác, họ chủ yếu là các hiện thân của thần Vishnu, Shiva và bà Mariamman.
Dù là ngôi đền lớn và đông đúc nhất, hiếm khi bắt gặp người Ấn đến đây, ngôi đền cũng không có phần giới thiệu hay bảng chỉ dẫn tiếng Ấn. Qua nhiều thế kỷ giao thoa văn hóa, vai trò bản chất của thần Mariamman có phần bị lu mờ. Giờ đây, lễ rước lửa thiêng chủ yếu là người Việt úp mặt cầu nguyện, nhưng như vậy có vẻ vẫn chưa đủ, nhiều người còn mạnh dạn ghi hẳn lên bức tường cổ kính để bà dễ nhớ:
Quanh đền chính có rất nhiều lẵng hoa tạ ơn và mong phù hộ cho việc làm ăn phát đạt. Chức trách bảo vệ làng xã, chữa bệnh, phù trợ sinh sản, hôn nhân của Bà không còn được nhắc đến mấy.
Đền Sri Thenday Yutthapani
Theo bảng thông tin từ đền bà Mariamman, ngôi đền ở Tôn Thất Thiệp thờ Ganesha - vị thần đầu voi tượng trưng cho sự thông thái, hạnh phúc, thành công. Nhưng vị thần ở điện chính lại là người con còn lại - thần Murugan, vị thần đại diện cho chiến tranh và sự chiến thắng. Thenday Yutthapani là tên gọi khác của vị thần này. Thần Ganesha có rất nhiều hình ảnh xung quanh. Nhìn chung, ngôi đền thờ hai người con của Bà Mariamman.
Cấu trúc của điện thờ Thenday Yutthapani khá giống với đền bà ở Trương Định, bao gồm gian thờ chính thờ vị thần chính, lối đi bao bọc quanh đền thờ những vị thần khác.
Đa số người gốc Ấn hay khách du lịch Ấn Độ sẽ đến ngôi đền này. Nghi lễ rước lửa linh thiêng cần có sự yêu cầu chứ không cố định theo giờ, được thực hiện bởi vị chủ đền người da vàng như đền thờ bà Mariamman. Sự hiện diện của người gốc Tamil không còn nữa.
Sau khi người Ấn di cư rời đi cùng người Pháp, chỉ còn một chủ đền Tamil duy nhất ở lại. Vị này đã nhận hai cậu bé người Khmer làm con nuôi và truyền lại tất cả nghi thức. Những người làm lễ ở các đền hiện tại đều là con cháu đời sau của họ. Trăm năm vật đổi sao dời...
Nhìn chung, khác với nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc, khi các tượng Phật có xu hướng thon thả và không rõ các khối cơ. Tượng Ấn giáo khá rõ về giải phẫu học. Thậm chí những vị thần có mỡ ở eo đầy đủ như một người Ấn thực thụ:
Đền ông Subramaniam Swamy
Thật ngạc nhiên khi ở đây cũng thờ vị thần chiến tranh Murugan như đền Tôn Thất Thiệp, Subramaniam Swamy là một hiện thân khác của ông. Đây là ngôi đền ít được chú ý nhất trong những dấu vết Ấn Độ còn sót lại ở Sài Gòn.
Dù vậy, kiến trúc tôn giáo nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa này vẫn giữ lại những dấu tích tuyệt đẹp của một nền văn minh vĩ đại.
Điểm khác biệt lớn nhất của ngôi đền này là phía bên cánh phải thờ chín vị thần Grahas nhỏ, đại diện cho chín hành tinh trong vũ trụ trên bục nước rất đẹp:
Gian chính của đền thờ là vị thần Subramaniam Swamy - hiện thân của thần Murugan:
Dù vẫn giữ cấu trúc nghiêm trang của ngôi đền Hindu với nhiều bức tượng đẹp mắt, sự vắng vẻ của ngôi đền cho cảm giác dường như nơi này ít được chăm chút. Bên trong ngổn ngang những thùng chứa đồ đạc, bàn ghế, phía cánh trái của đền bị trưng dụng làm bãi giữ xe.
Người Ấn đến rồi đi, để lại các dấu tích tuyệt đẹp của một nền văn hóa, tín ngưỡng khác lạ. Ba ngôi đền Hindu lung linh lưu giữ quá khứ những người đã từng ở đây, có nơi được giữ gìn cẩn thận, có nơi gần như bị bỏ quên. Dù sao đi nữa, mọi thứ cũng ít nhiều phai mờ đi ý nghĩa thật sự ban đầu, khi những người hiểu rõ nhất về chúng nay đã ở rất xa.