Hiện nay, nếu hỏi một ứng viên trẻ về điểm mạnh của họ, bạn sẽ nhận được danh sách dài về tài năng, thành tích, kinh nghiệm… đến nỗi người phỏng vấn tự thấy thật mặc cảm. Khi đổi sang điểm yếu, câu trả lời có thể là: “Em quá khiêm tốn” hoặc “Em quá cầu toàn”.
Tuy nhiên, nếu bạn làm trong một công ty Nhật, hãy thử điều tra tên của sếp mình trên LinkedIn. Thật ngạc nhiên, không có hoặc có rất sơ sài, kiểu như bất tài vô dụng đến nỗi nếu ở vị trí ngược lại, bạn không thể nào tuyển dụng cái tên tầm phào này.
Người Nhật và sự khoe khoang
Sống ở Nhật, không thể phân biệt được người giàu hay nghèo trên đường, ai nấy như nhau. Sẽ chẳng bao giờ bạn bắt gặp một quý bà, quý ông với sợi dây xích vàng lủng lẳng trên cổ hoặc viên kim cương to như trứng vịt lộn làm lệch cả dáng đi dù nhiều người trong số họ có thể mua vài hòn như thế. Những biệt phủ, siêu xe lại càng không. Người giàu ở chung cư, đi tàu điện mỗi ngày.
Khi tuyển dụng một nhân viên Nhật cũng vậy, bạn sẽ nhận được hồ sơ sạch sẽ chỉn chu, không một lỗi ngữ pháp nhưng quá ngắn gọn. Tuy nhiên, khi hỏi về chuyên môn, họ luôn có thể trình bày chi tiết mạch lạc theo cách thức rụt rè, khiêm tốn nhất. Ở Nhật, khoe khoang, flex, show off bị xếp tương đương với vô duyên hoặc ngu ngốc.
Những câu tục ngữ của họ cũng nói lên điều này: Chim ưng khôn ngoan không bao giờ để lộ móng vuốt, cây lúa hạt to nhất sẽ cúi thấp…
Khoe khoang kiểu Nhật
Dù không thích tự nói về mình, nhưng người Nhật rất vui sướng khi được khen. Ở một góc độ nào đó, họ cũng tự hào về chính họ nhưng theo cách khác chúng ta. Ví dụ, những người Nhật truyền thống hay nhầm lẫn cho rằng cách tính bốn mùa trong năm xuất phát từ văn hóa Nhật, hoặc tự tin giới thiệu bạn một quán cà phê sân vườn và chắc ăn kiểu: “Chỉ ở đất nước tôi mới có phong cách này đúng không?”. Một người Việt khiêm tốn không thể nào trả lời :”Dạ không, bên em nhiều lắm”.
Vậy câu hỏi: người Nhật giàu có sẽ tiêu tiền vào những thứ gì nếu không phải là xe sang, biệt phủ?
Nhìn chung, giàu đến mấy người Nhật vẫn đi làm bình thường và họ làm việc cả đời chứ không có xu hướng lông bông, rảnh rỗi flex trên đường phố hoặc mạng xã hội. Những gì triệu phú Nhật chi tiền thường vô hình. Kiểu như tài trợ cho nghệ thuật, đi xem các buổi hòa nhạc lớn, du lịch… nhưng không thường xuyên. Không có khái niệm “tự do tài chính, giàu có nhàn rỗi” ở Nhật.
Ngoài ra, ẩm thực và trà đạo cũng là một trong lựa chọn của người giàu. Nếu tham gia một bữa tiệc Kaiseki, bánh ngọt, trà, bạn sẽ sốc trước vẻ đẹp tinh xảo của vô số dụng cụ đắt tiền chỉ nhỏ bằng nắm tay của họ. Đến nỗi ăn uống mất ngon chỉ vì lo sợ làm rơi vỡ chiếc tách không biết sao xin về.
Dù người Nhật có những khía cạnh tiêu cực khác trong đời sống bình thường. Nhưng nói về việc khiêm tốn hay chú trọng vào giá trị cốt lõi bên trong, chúng ta sẽ phải học hỏi họ rất lâu. Bởi vì thật sự không nhất thiết phải khoe khoang về mình mới làm người khác ngưỡng mộ bạn, chứ chưa nói đến việc khoe luôn những thứ mà chúng ta không có.
Hãy thử tưởng tượng trong buổi phỏng vấn ở một công ty Nhật, ứng viên liệt kê rõ ràng những điểm yếu của mình. Sau đó đến điểm mạnh, sẽ là cái nhìn chằm chằm hoặc im lặng ngượng ngùng.
So với một ứng viên thao thao bất tuyệt về “tài năng, sự giỏi giang, thành tích trải dài, kinh nghiệm lừng lẫy mà lại còn khiêm tốn nữa”. Ai mới là người đáng tin hơn?