Trong cuộc gặp bất kỳ, trên sân golf chẳng hạn, các doanh nhân Nhật vô cùng trịnh trọng. Nếu bạn vô tình tiếp xúc bác Ozawa sàn nào đó, bác sẽ hai tay đưa danh thiếp ra, người cúi gập xuống “hầy hầy” vài cái. Bạn về nhà lên LinkedIn điều tra xem mình vừa gặp gỡ ai, ông ấy thế nào… Kết quả: không có gì hết.
Với dân số hơn 122 triệu người, chỉ khoảng ba triệu tài khoản LinkedIn ở Nhật, trong khi đất nước này đầy những công ty từ sản xuất cho đến dịch vụ.
Người Nhật dùng Facebook cho công việc
Người Việt thường không thoải mái khi sếp hay khách hàng gửi lời kết bạn Facebook. Điều đó thật bất tiện, lỡ may hôm nào cao hứng quyết định khỏa thân chút ít vì môi trường…
Nhưng có một văn hóa kỳ lạ ở Nhật: Làm ăn với người mình thích chứ không phải người cung cấp cái deal tốt hơn. Vì vậy, việc kinh doanh dựa vào sự tin tưởng, mối quan hệ thân thiết. Mối quan hệ thân thiết lại đòi hỏi sự gắn kết, tìm hiểu lẫn nhau, chia sẻ cuộc sống… Facebook mở ra cánh cửa sổ để nhìn vào đời sống người kia.
Vì vậy, khi bạn đang làm trong công ty Nhật, ngày nào đó ông sếp bỗng “add friend”, đừng hoảng hốt, ông ấy chỉ muốn biết cuộc sống thật sự của bạn thôi.
Văn hóa làm việc
Đến nay, người Nhật vẫn giữ truyền thống tìm kiếm một công việc lâu dài hoặc thậm chí trọn đời, khác hẳn chúng ta. Vì vậy, LinkedIn đối với họ giống như công cụ để nhảy việc tốt hơn, mặt trái của sự trung thành. Trừ khi vũ trụ bịt mắt được sếp, nếu ông ấy nhìn thấy bạn vừa hoàn thành hay update hồ sơ LinkedIn, bạn sẽ không được tăng lương trong mười năm, bị chì chiết cho đến lúc về hưu. Một tội lỗi to lớn mà không bao giờ được tha thứ, không có cơ hội thứ hai.
Tóm lại, LinkedIn là một nền tảng quá nguy hiểm cho sự nghiệp của người Nhật.
Người khiêm tốn không dùng LinkedIn
Nhìn chung, thiết kế của LinkedIn khá cơ bản, người dùng nói về thành tựu vĩ đại của họ, ví dụ như từng làm Leader của tập đoàn này, CEO của group kia… Người Nhật chuộng sự tinh tế ẩn giấu, vì thế họ không tin tưởng vẻ đẹp lộ liễu đó.
Điều này không có nghĩa người Nhật hoàn toàn hạ mình. Họ cũng thích khoe khoang như chúng ta, nhưng “khoe khiêm tốn”. Trong khi LinkedIn yêu cầu bạn nói về thành tích, Facebook cho phép ngụ ý rằng bạn đã hoàn thành điều này, điều kia bằng một quá trình rõ ràng sinh động. Công cụ “khoe khiêm tốn” này tuyệt đỉnh.
Dù sao, chúng ta đều hiểu rằng trong nhiều trường hợp, công việc không phải công nghệ, thời gian hoàn thành, ý tưởng… Đó chỉ là những thỏa thuận giữa con người và con người với nhau để đến một mục tiêu nào đó.
Hơn nữa, nếu bạn muốn nhìn thấy điều gì, người khác luôn biết cách trình diễn cho bạn chuyện đó. Tất cả các hồ sơ LindkedIn đều lung linh tuyệt mỹ, những thiên tài như bước ra từ một hành tinh khác cho đến khi bạn thấy họ bắt tay vào việc. Lúc này có thể quá muộn.
Trên thực tế, không bao giờ chúng ta có thể bắt gặp một profile trình bày thành thật rằng: Tôi có điểm yếu là vô duyên, chậm hiểu, hoặc khi cao hứng hay thậm chí không cao hứng, tôi vẫn flex vô tội vạ. Đó là đam mê lớn nhất của tôi.