Trong hầu hết các trường hợp, tiền tip ở Nhật là thô lỗ, khác với Sài Gòn, không tip thô lỗ hơn. Tuy nhiên, vài trường hợp cá biệt bạn có thể trả loại tiền này, nhưng nếu không đưa đúng cách lại còn xúc phạm hơn nữa. Cùng tìm hiểu để không phải trở thành người cục súc nhé.
Tại sao người Nhật không thích tiền tip?
Có nhiều lý do cho việc này.
Vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản bảo thủ hơn ngày nay rất nhiều. Khi đó, nói về tiền bạc không phải là điều tốt, giống như tình dục vậy. Mặc dù sau này người Nhật và tình dục còn hơn cả nói, nhưng tiền không thay đổi. Trong một đất nước nhiều thiên tai, thảm họa, nhà cửa làm bằng giấy và gỗ, khoe khoang về tiền thật lố bịch. Điều này giống như khi bạn sống ở Mĩ, đất nước mà mọi người sở hữu súng, bạn sẽ có xu hướng lịch sự hơn chẳng hạn.
Văn hóa Nhật cũng cho chúng ta một góc nhìn khác. Không giống như ở Sài Gòn, nếu bạn nói rằng mình là chuyên gia digital marketing hay chuyên gia tài chính, người Nhật sẽ nghĩ trong đầu “Sao mà thấp kém thế…”. Nhưng nếu bạn là đầu bếp, thợ thủ công, bạn thật sự cao quý. Niềm tự hào đến từ việc bạn có một chuyên môn cụ thể chứ không phải số tiền kiếm được.
Hãy nhìn cách anh phục vụ hăng hái, tỉ mỉ lau sáng bóng mặt bàn ăn, bạn sẽ hiểu điều này. Họ tự hào về công việc, cho dù công việc có nhỏ đến đâu.
Khi nào bạn có thể đưa tiền tip?
Nếu bạn ở nhà trọ truyền thống của Nhật (ryokan) phổ biến ở Kyoto, Osaka, Hokkaido… trong một số trường hợp, tiền tip đôi lúc phù hợp. Những nhà trọ kiểu này thường có người phục vụ riêng, người sẽ sắp xếp bữa ăn tối, lo giường nệm, di chuyển…
Hoặc khi bạn dùng bữa tối với Geisha, chỉ những geisha thật sự bởi vì ở Nhật còn có geisha hơi thật nữa, kiểu nôm na là geisha từ A đến Z chẳng hạn. Geisha đúng nghĩa chỉ rót rượu, biểu diễn âm nhạc, chơi trò chơi dân gian, tiếp chuyện… và họ nói chuyện rất hay.
Tiền tip thường có thể xảy ra khi bạn dùng những dịch vụ riêng tư hoặc yêu cầu sự giúp đỡ đặc biệt như đòi hỏi chế độ ăn kiêng, ngâm mình trong nước nóng và muốn có bữa ăn đến tận nơi…
Ngoài những trường hợp đó ra, taxi, nhà hàng, khách sạn bình thường… tiềp tip đều xúc phạm.
Đưa tiền tip như thế nào?
Cách đưa tiền cũng có thể dẫn đến một sự xúc phạm còn nặng nề hơn cả không đưa.
Ở Nhật, bạn không thể dằn cái ly lên tiền và bỏ đi. Cũng không thể dúi vài tờ tiền vào tay người khác. Quá xúc phạm.
Tiền tip có thể là một ngàn, hai ngàn, ba ngàn Yên, tương đương với 200, 400 hay 600k tiền Việt, định lượng tùy thuộc vào cảm giác của bạn nên thế nào. Nhưng của cho không bằng cách cho.
Tốt nhất, bạn phải gói tiền vào tờ giấy sạch hoặc phong bì mua ở cửa hàng tiện lợi. Sau đó, khi đưa tiền, dùng hai tay và cúi đầu nhẹ để tỏ lòng tôn trọng. Cũng có khi họ sẽ từ chối ở lần đầu, bạn cần cúi thêm cái nữa kiểu như “em lạy chị, chị lấy dùm em”, sau đó mọi thứ tốt đẹp.
Tóm lại, trong một thế giới hỗn độn vì tiền, trường hợp của người Nhật mặc dù hơi phức tạp, nhưng dạy cho chúng ta rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất. Giống như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh nói: “trong tiền có tâm”. Phải có thứ gì đó hiển nhiên hoặc hữu hình được đặt trên tiền, thứ mà ngày nay được dùng làm thước đó trong hầu hết các trường hợp.
Những người phục vụ bình thường ở Nhật đa phần nghèo khó, họ có thể nhận số tiền của bạn, nhưng tất cả đều dũng cảm từ chối. Hãy đến đó và trong vài tình huống cho phép, đi bộ ra cửa hàng tiện lợi, bỏ 200k vào phong bì và cúi đầu kính cẩn đưa họ bằng hai tay. Bạn sẽ thấy giá trị thật sự của tiền.