Mỗi giai đoạn đều để lại dấu vết êm dịu của nó. Thập niên 90 không có Ấn Độ, không Hàn Quốc, may mắn thay, TVB mang lại nguồn cảm hứng bất tận trong những bộ phim dài lê thê không kém. Sau tất cả drama, kịch tính, hài hước… thật khó mà quên những giai điệu mượt mà kèm theo vẻ đẹp lung linh của ngũ cung châu Á.
Don Ashley và “Within you’ll remain”
Thật ra, TVB là đài truyền hình chứ không phải hãng phim, giống như HTV hay VTV của chúng ta vậy. Họ phát sóng âm nhạc, văn hóa, tin tức… Năm 1983, TVB lần đầu giới thiệu bài hát Within you’ll remain. Cả Đông Nam Á bị chinh phục bởi tiếng đàn tranh mạnh mẽ được lên dây như một cây dao cầm của nhạc sư Trịnh Văn cùng giai điệu ngọt ngào của bản rock dịu dàng này.
Ca sỹ mang dòng máu Mỹ, Don Ashley có giọng hát êm dịu nhưng lại chơi trống và được mệnh danh "Vua trống châu Á" lúc bấy giờ. Ban nhạc Chyna của anh cũng là ban nhạc duy nhất trong lịch sử Hồng Kông hai lần lọt vào bảng xếp hạng nhạc Billboard của Mỹ.
Rất nhiều ca sỹ đã cover lại Within you'll remain, trong đó có cả người Việt. Tuy nhiên, phiên bản của Joey Tang có vẻ làm nổi bật câu intro đặc trưng của bài hát này nhất:
Trịnh Thiếu Thu và "Smile and watch the storm"
Đây là khúc chủ đề của bộ phim nhiều tập "Bản năng", do James Wong phụ trách phần lời và Tsui Ka Leung viết nhạc, diễn viên Adam Cheng mà người Việt quen gọi qua tên Trịnh Thiếu Thu trình bày. TVB đầu tư kỹ càng vào những ca khúc trong phim, mặc dù họ cũng gây tranh cãi về thù lao và câu chuyện làm việc quá sức của những diễn viên phụ. Bài hát "Tiếu khán vân phong" giàu giai điệu, được nhấn thêm chiều sâu bởi tiếng trống cái lớn cùng những đoạn tuti rất Hồng Kông.
Ca khúc này khi chuyển sang tiếng Việt bỗng nhiên trở thành "Vì một người ra đi" với nội dung khác hẳn bản gốc.
Trương Học Hữu và "Only you don't know"
Một bộ phim truyền hình dài tập do TVB sản xuất năm 1994 có tên tiếng Việt "Sự thật vô hình" (The intangible truth) sau cùng gần như vô hình trên đài này. Câu chuyện bi thảm về sự bất công diễn ra ở hệ thống tư pháp Đại lục không phù hợp với khán giả gia đình, cộng với việc bị Trung Quốc cấm chiếu góp phần làm cho "Sự thật vô hình" nằm trong ba bộ phim ít người xem nhất của TVB.
Tuy nhiên, ca khúc "Only you don't know" trong phim do Trương Học Hữu trình bày đã trở thành quán quân trên rất nhiều kênh vào năm đó.
Một bài hát đầy tình cảm tha thiết, Trương Học Hữu quả xứng danh Ca Thần của châu Á, âm nhạc của ông xuất sắc.
Vương Cảnh Văn và " Broken heart woman"
TVB có tuổi đời gần 60 năm, từ một đài truyền hình nhiều người xem nhất châu Á nay phải vật lộn để tồn tại. Năm 2024 là năm đầu tiên họ kinh doanh có lãi sau 6 năm thua lỗ liên tục. Sự lớn mạnh của điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc góp phần làm lu mờ TVB. Bộ phim "Nữ hoàng tin tức" năm ngoái đã giúp vực dậy đài này.
Vào năm 1992, một nữ hoàng khác là Vương Cảnh Văn (Faye Wong) đã hát bài "Broken heart woman" được dùng trong phim Đại thời đại (The Big time) của TVB. Bài hát này sau đó đã càn quét các giải thưởng âm nhạc của năm.
"Broken heart woman" có nguyên bản gốc từ Nhật, bài hát Ruju, có nghĩa "Son hồng", khi chuyển sang tiếng Việt, chúng ta có "Người tình mùa đông".
Trịnh Thiếu Thu và "Never give up"
Thông thường, một ca khúc phim TVB được sáng tạo phần nhạc, phần lời bởi hai người khác nhau, lần này là Xu Jialiang và Pan Weiyuan. Bài hát nhịp 4/4 với tempo 120 chậm rãi nhưng Trịnh Thiếu Thu trình bày khá u ám dù nội dung nói về lòng dũng cảm.
Một bài rock dữ dội tuy có hơi lộ tiếng keyboard khá nhiều nhưng không đến nỗi làm người nghe khó chịu.
Rất nhiều ngôi sao điện ảnh và ca nhạc đã bắt đầu sự nghiệp từ TVB. Đài truyền hình này cũng có một lịch sử lâu đời quen thuộc với người Việt, khi các thế hệ trước chưa có Netflix và internet.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Ba mươi năm bờ đông, ba mươi năm bờ tây”, hàm ý mọi thứ liên tục thay đổi. Gần như chắc chắn rằng một thời kỳ suy thoái sẽ theo sau một chu kỳ bùng nổ và ngược lại. May mắn thay, cho dù mọi thứ có như thế nào đi nữa, thời gian đã cho thấy rằng những giai điệu mượt mà tuyệt đẹp luôn còn mãi trong tâm trí người nghe.