Chuyện của ma

Điểm chung của hai nền văn hóa đều nằm ở chỗ người bình thường chẳng ai mong sự xuất hiện của ma. Nhưng một khi chúng lộ diện, thật mệt mỏi. Tuy nhiên có vẻ phương Tây mệt hơn chúng ta.

Ma phương Tây

Phương Tây dùng chữ “Ghost” được biến thể từ “Gast” trong tiếng Đức cổ để chỉ ma. Bản thân nghĩa gốc của “gast” nghĩa là một cơn thịnh nộ dữ dội. Do đó, ma châu Âu thường mang bản chất độc ác, giận dữ, có nguồn gốc xa xưa, đôi khi liên quan đến một truyền thuyết tôn giáo nào đó. Mặc dù ghê rợn, nhưng mà phương Tây lại mang hình ảnh khá chán.

Chuyện của ma
Ảnh: Tandem X Visuals | Unsplash

Tuy nhiên, một hiện tượng siêu nhiên sẽ không xảy ra thường xuyên. Vì vậy người phương Tây có xu hướng ổn hơn với ma. Ngay cả trẻ em khi còn nhỏ đã phải ngủ riêng và chẳng phàn nàn, hay ít nhất tỏ ra sợ hãi để hồn ma không gặp khó khăn khi định hù dọa chúng. 

Người phương Tây cũng thường cố gắng tìm ra các giải pháp và lý do hợp lý. Ví dụ, nếu sống trong ngôi nhà lâu lâu cánh cửa tự động đóng sầm, tiếng kẽo kẹt kỳ lạ trên lầu… họ sẽ đi tìm thợ mộc hơn là nghĩ ngay về vị khách vô hình, vô ý vô tứ ở đâu đây.

Ma Á Đông

Khi linh hồn rời cơ thể, nó được tâm trí mang đến cơ thể tiếp theo. Nhưng một cái chết không tự nhiên, không mong muốn có thể làm trục trặc quá trình và linh hồn đó trở thành ma.

Chuyện của ma
Ảnh: Jr Korpa | Unsplash

Theo cách lý giải này, sống như một bóng ma thật khó. Mọi ham muốn của tâm trí như dục vọng, giận dữ, tham lam và những thôi thúc kiểu đói bụng, khát nước đều tồn tại, nhưng ma không có cơ thể vật lý cho hành động để được nhẹ nhõm. Vì vậy, đôi khi họ tìm cách liên hệ với chúng ta nhờ giúp đỡ. Khi bạn không hiểu các tín hiệu và không trợ giúp, ma giận dỗi đến nỗi sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Lúc này thì… Haizz, thà chửi vô mặt chúng ta như bà cô hàng xóm.

Ma Việt Nam

Người Việt có nền văn hóa tâm linh sâu sắc. Vì vậy thật ngạc nhiên khi các phim ma của chúng ta cho đến nay khá dở.

Theo truyền thống, linh hồn con người là một thực thể song song bao gồm linh hồn tinh thần gọi là “hồn” và linh hồn vật chất gọi là “vía”. Tính hai mặt này làm cho hồn ma có thể cảm thấy lạnh lẽo, đói khát, giận dữ… bằng linh hồn vật chất của mình. Nếu không ổn, họ có xu hướng lang thang. Vào tháng 7 âm lịch, lượng du khách sẽ tăng lên đáng kể.

Chuyện của ma
Ảnh: Ante Hamersmit | Unsplash

Vũ trụ ma Việt gồm nhiều ma rất lạ, thông thường mang giới tính nữ. Ví dụ như miền Tây có “ma dú dài” với hai cái dú rất dài vô cùng thu hút. Ma dú dài không hiểu sao không đụng đến đàn ông mà chỉ toàn bắt trẻ con, cho bú và khi được tìm thấy, miệng đứa trẻ đầy đất. Cũng chưa có bộ phim nào làm về con ma này, có lẽ phần casting hơi khó.

Ma da là những con ma chuyên sống dưới sông, có xu hướng kéo chân những người đang bơi và dường như không ý thức được việc làm nguy hiểm này.

Trong khi ma xó khá vô hại, chúng mang hình hài nhỏ nhắn, ở các góc nhà và nếu buồn chán sẽ giấu đồ vật của bạn đi, kiểu như bóp, iPhone, remote TV... Nhưng đó chỉ là giỡn, chắc chắn sẽ trả lại chứ không mất luôn như người..

Chuyện của ma
Ảnh: Jagjit Singh | Unsplash

Nhìn chung, dù khoa học hay chúng ta không tin vào sự tồn tại của ma, đôi khi thật khó thoát khỏi cảm giác bạn không đơn độc ở một số nơi nào đó, khách sạn, di tích, ngôi nhà bất kỳ…

Chuyện của ma và chúng ta - Sloth
Có người tin ma, có người không. Khi không muốn tin, mọi thứ đều giải thích được bằng khoa học. Khi muốn tin, một người đang đi bộ tập thể dục cũng thành ma…

Khi còn nhỏ, ai cũng từng lang thang qua các câu chuyện được bao quanh bởi những hồn ma chưa bao giờ biến mất. Chúng ta là lữ khách dài hạn trên trái đất này, du hành trôi nổi qua nhiều nơi. Không ở đây, không ở đó, nhưng tò mò về, để mắt đến mọi thứ, bao gồm cả ma.