Bí mật nụ cười

Cuộc sống thật khó khăn, cười thôi cũng mệt mỏi dù không cười có khi tình hình tệ hơn. Ở Việt Nam, đất nước lạc quan đầy nắng (có khi quá nắng), rất dễ bắt gặp ai đó cười với mình, nụ cười vui vẻ hiện diện khắp nơi. Thật may mắn khi sống ở một nơi như vậy và có thể cười thoải mái bất cứ lúc nào. Tất nhiên lúc nào bước ra đường cũng cười thật ra hơi sợ, nhưng ít nhất phần lớn thời gian trong ngày những nụ cười của bạn đều được đón nhận. Một số đất nước không như vậy, vui thôi đừng vui quá. Cùng dạo một vòng xem văn hóa cười diễn ra như thế nào trên thế giới nhé.

Nước Nga

Ở Nga, nơi nụ cười rất hiếm và chỉ được thực hiện vì lý do rất chính đáng nào đó. Mỉm cười khi chào hỏi một người lạ sẽ bị coi là không chân thành. "Chào anh!" bắt tay nhưng mặt buồn rười rượi được chấp nhận hơn. Mỉm cười khi thực hiện công việc nghiêm túc sẽ bị coi là biểu hiện của sự nhẹ dạ. Kiểu khi bạn là như luật sư, hẳn bạn phải trông khổ sở lắm.

Một số câu tục ngữ của Nga cũng làm sáng tỏ cách tiếp cận văn hóa đối với việc cười, chẳng hạn như "Cười mà không có lý do là dấu hiệu của ngu ngốc." [Смех без причины – признак дурачины.]

Nước Đức

Giống như Nga, người Đức cảm thấy các dân tộc khác cười quá nhiều, cười nhiều mệt. Một nụ cười thản nhiên với người lạ trên phố sẽ không được đáp lại. Người Đức rất bảo thủ khi thể hiện sự hạnh phúc ra bên ngoài, đặc biệt là qua nụ cười.

Thái Lan

Ngược lại, những người hàng xóm Đông Nam Á chúng ta gần như lúc nào cũng cười. Cười phù hợp trong nhiều tình huống và hoàn cảnh khác nhau, kể cả khi người ta cảm thấy hạnh phúc, xấu hổ hoặc thậm chí là sợ hãi. Kiểu như: Trời ơi ma!!! Ahihi!

Bí mật nụ cười
Ảnh: matthahnewaldphoto

Nhật Bản

Thật ra, văn hóa Nhật không cởi mở với cảm xúc. Tuy nhiên, người Nhật vẫn thường cười. Mỉm cười có thể là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, người Nhật rất giỏi trong việc phân biệt nụ cười giả tạo với nụ cười thật lòng. Trong giao tiếp ở Nhật, đôi mắt quan trọng hơn trong việc biểu đạt cảm xúc, họ thường nhìn vào mắt hơn là môi khi diễn giải một nụ cười. Khi bạn cười thật sự, các cơ quanh mắt dường như co lại. Còn khi miệng cười nhưng các cơ đó bất động, đây là nụ cười bạn "đặt lên" mặt mình. Một ví dụ dễ hiểu: nhân vật Hello Kitty của Nhật, không cần miệng nhưng vẫn biểu lộ tất cả cảm xúc thông qua mắt và chân mày.

Việt Nam

Một nụ cười ở Việt Nam có nhiều ý nghĩa. Kiểu như:
"Vui quá"
"Xin chào, rất vui gặp anh!"
"Ôi xấu hổ quá!"
"Xin lỗi vì tôi đã làm sai..."

Bí mật nụ cười
Ảnh: Taan Huyn | Unsplash

Tất nhiên cũng như người Nhật, bạn phải cảm nhận được mọi thứ qua mức độ hay hình dáng của nụ cười để có thể sử dụng hằng ngày. Kiểu như: "Xin lỗi, tôi sai!" mà cười sằng sặc thì thật khó hiểu.

Nụ cười là một phần của văn hóa Việt Nam và tất cả mọi người đều học được nó trong quá trình lớn lên, trừ vài trường hợp đặc biệt. Khi cười, có thể bạn sẽ giải quyết được nhiều thứ mà chính bạn cũng không biết. Nhưng chỉ cần một tràng cười sai, đó sẽ là thảm họa. Dù vậy, ít nhất bạn cũng không bị cho là ngu ngốc như ở Nga. Ở đây, có thể mọi người chỉ đánh giá khả năng bình thường của bạn thôi.