Nguồn gốc bí ẩn của miếng thịt kho tàu

Nhiều tài liệu chính thống dễ dàng tìm thấy đều khẳng định món thịt kho tàu là do người Việt tạo ra với hai thông tin chính:

- Món thịt kho tàu được những người đi biển làm ra, ăn dần trên tàu nên có tên “thịt kho tàu”, “tàu” ở đây hàm ý “chiếc tàu”.

- Nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc cho rằng chữ “tàu” có nghĩa nửa mặn nửa ngọt, lờ lợ tương tự vị nước các con sông Cái, như Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ. Vì vậy món thịt kho tàu là món kho vừa phải, không quá mặn, không quá ngọt, hoàn toàn do người Miền Nam sáng tạo ra.

Bây giờ, chúng ta sẽ thử đi tìm gốc gác món ngon này nhé.

Nguồn gốc bí ẩn của miếng thịt kho tàu
Ảnh: Reddit

Thịt kho tàu để ăn trên tàu

Trên thực tế, những chuyến đi biển có thể kéo dài cả tháng. Một nồi thịt nước lõng bõng dập dềnh trên sóng khá bất tiện. Chưa kể thịt kho tàu thật ra không để được lâu đến thế, đặc biệt phiên bản có nước dừa kiểu miền Nam càng dễ hư. 

Câu hỏi có thể là tại sao những người đi biển không kho quẹt để kéo dài thời gian bảo quản? Hoặc ăn đỡ cá kho cho tiện? Về bờ dùng thịt sau cũng được?

Kho tàu là kho lờ lợ

Thật ra, ông Bình Nguyên Lộc nổi tiếng với vai trò nhà văn hơn nhà nghiên cứu. Những đề tài ông viết cũng chuyên miền Nam như Sơn Nam vậy. Vì thế, khi nói con sông Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ (hai nhánh của sông Hậu) nước lợ thì rất nhiều sông khác cũng cùng kiểu nước đó nhưng lại khuyết chữ “Tàu” trong tên.

Nguồn gốc bí ẩn của miếng thịt kho tàu
Ảnh: Singapore Noodles

Thịt kho tàu có nghĩa kho lờ lợ chỉ đúng ở miền Nam. Một yếu tố quan trọng đã bị bỏ quên là người miền Bắc cũng ăn món này và họ cũng gọi “thịt kho tàu”. Chắc chắn người Bắc không dùng chữ “tàu” để chỉ nước lợ.

Thịt kho tàu kiểu Nhật

Bây giờ, hãy nhìn sang nước Nhật, món kakuni của họ y như chúng ta. Từ thành phần cho đến kích cỡ miếng thịt. Chỉ khác ở chỗ họ dùng nước tương thay vì nước mắm và không có nước dừa.

Một bí mật khác, người Nhật sang Việt Nam lại mê đắm món thịt kho tàu hơn phiên bản kakuni của chính họ. Nếu bạn làm trong công ty Nhật và mang theo nó để ăn trưa, những người Nhật thân thiện có thể… xin. Chuyện xin ăn này không phổ biến trong văn hóa Nhật, nhưng họ làm vậy với thịt kho tàu.

Nguồn gốc bí ẩn của miếng thịt kho tàu
Ảnh: Canalplus Kuchnia

Nguồn gốc chung

Trung Quốc, người Hoa ở Malaysia, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản đều nấu món thịt kho tàu của riêng mình. Mặc dù có nhiều biến thể ở mỗi nơi, nhưng đặc điểm chung mà chúng ta không thể không lưu ý: Đó là kích thước, kết cấu của miếng thịt. Tất cả cùng size và dùng thịt ba chỉ. Dường như món ăn này xuất phát cùng một nguồn gốc. Đặc biệt khi so Kakuni với thịt kho tàu, nếu chỉ nhìn hình khó mà phân biệt được. Tuy nhiên, phiên bản của miền Nam với nước mắm và nước dừa thật xuất sắc.

Dù vậy, người Nhật gọi “kakuni” nhưng họ vẫn cho rằng món này xuất phát từ Trung Quốc. 

Miếng thịt kho tàu chúa

Đây là cục thịt kho tàu đắt nhất trên đời:

Nguồn gốc bí ẩn của miếng thịt kho tàu
Ảnh: National Palace Museum

Miếng thịt ba chỉ hầm tuyệt mỹ này với lớp mỡ và da sáng bóng thực chất là khối đá thạch anh, được một nghệ sĩ vô danh thời nhà Thanh chạm khắc chi tiết kẽ chân lông, nếp nhăn, nhuộm màu… khéo léo để trông giống như một miếng thịt kho tàu vào thế kỷ 19. Mặc dù cục thịt chỉ khoảng 5cm, nhưng bạn không thể nào gắp nó được. Đây là vật sở hữu quý giá nhất của Bảo tàng Quốc gia Đài Loan trong hai trăm năm qua.

Nhìn chung, cho dù có nhiều kiểu kho tàu khác nhau, nhưng phiên bản dùng nước mắm và nước dừa là biến thể tinh tế đỉnh cao mà mọi người có thể thưởng thức được. Mặc dù khó có thể khẳng định chúng ta tạo ra món ăn này, bởi vì người Việt cũng không thường thái miếng thịt ở size lớn đó. Nhưng chuyện bạn sáng chế ra nó hay không không quan trọng bằng việc bạn đưa nó lên đến tầm cao nào. Tóm lại, cục thịt kho tàu quý giá nhất đang ở Đài Loan. Cục thịt kho tàu ngon nhất lại nằm khắp nơi ở Việt Nam. 

Tiểu khu bị bỏ quên | Sloth
Có nhiều kiểu du lịch. Nhưng bạn có thể hiểu rằng người đi Myanmar sẽ không thích Singapore và ngược lại. Tiểu khu này dành cho dân đến Miến Điện hơn, những người mạo hiểm và cởi mở.