Nhìn chung, lịch sử Hàn Quốc cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam: bị Trung Quốc đô hộ, Nhật Bản xâm chiếm, nội chiến chia đất nước làm hai phần và chưa thống nhất được cho đến ngày nay. Trong lúc các “hậu duệ mặt trời” ở phía Nam tập trung phát triển kinh tế, những “hậu giuệ mặt giời” ở phía Bắc phát triển vũ khí và… chĩa qua hướng Nam :(
Những khó khăn khắc nghiệt tạo nên một Nam Hàn mà chúng ta gọi là Hàn Quốc phát triển vũ bão. Nhưng nó cũng lý giải rất nhiều cho người Hàn Quốc xấu xí mà chúng ta thường thấy.
Một ví dụ về khác biệt văn hóa
Chỉ trong 3 năm nội chiến 1950-1953, Hàn Quốc kiệt quệ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/năm. Để đạt được những gì chúng ta thấy ngày nay, hiển nhiên người Hàn đã làm việc rất rất nhiều. Cần cù là cái giá của thành công, các thế hệ sau này sống trong khái niệm đó.
Khi người Hàn bắt đầu mở những công xưởng đầu tiên ở Việt Nam, họ không quen hoặc không chịu nổi cách làm việc của chúng ta. Họ cũng bê y nguyên cách cư xử ở đất nước họ đến đây và sau cùng: xô xát.
Ngay cả chúng ta cũng vậy, người Việt khi đất nước vừa mở cửa chưa quen với cường độ làm việc mà chúng ta gọi là tư bản. Theo thời gian, mọi thứ thay đổi. Ngày nay, có những công xưởng do Việt Nam làm chủ hoạt động với cường độ còn cao hơn cả Hàn Quốc.
Cả hai nền văn hóa cùng thích nghi và chịu đựng lẫn nhau. Sau cùng, không còn những tin tức về xô xát trên báo chí giữa người Hàn và người Việt nữa. Họ mất thời gian làm quen và chúng ta cũng vậy.
Người Hàn và văn hóa Nunchi
Giống như Nhật Bản, khả năng thích nghi văn hóa của người Hàn kém hơn các dân tộc khác. Bởi vì họ bị ăn sâu trong những bản sắc của chính mình, một trong số đó là “Nunchi”.
Nunchi có thể hiểu như “sự tinh ý”, nhưng nghĩa của nó rộng hơn thế. Ở nước ta, nếu bạn tinh ý, điều đó rất tốt. Nếu không, bạn trở thành người vô duyên, tất cả chỉ có thế. Nhưng Nunchi rất quan trọng trong xã hội Hàn Quốc. Hầu hết người Hàn nói gián tiếp, vì vậy bạn phải cố gắng hiểu ý nghĩa thật sự đằng sau bằng cách quan sát ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, cử chỉ…
Ví dụ bạn ngồi phía ngoài trên xe buýt, người bên trong bắt đầu sắp xếp đồ đạc, túi xách. Đây là tín hiệu cho thấy họ sẽ xuống trạm và họ mong muốn bạn co chân lại để đi ra ngoài. Tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng người Hàn sẽ nhanh chóng nhận ra và chủ động nhường lối cho người kia.
Ở Việt Nam chúng ta dùng cách nói: “Anh cho em ra”. Nhanh và đỡ vất vả hơn.
Nunchi giúp mối quan hệ giữa người với người trở nên tôn trọng hơn, không gây bất tiện cho nhau. Tuy nhiên, khi Nunchi trở nên quá lớn cũng tạo ra áp lực và bí bách trong cuộc sống. Người Hàn bị cho là nhiều Nunchi đến mức lúc nào cũng để ý xem người khác nghĩ gì về mình, nhận xét mình như thế nào. Điều này có thể trở thành gánh nặng tâm lý cho chính họ. Và khi bạn thực hành Nunchi, bạn cũng mong muốn người khác làm y như vậy với mình. Áp lực tạo ra áp lực.
Người Hàn và văn hóa Gibun
Gibun có thể hiểu như “bộ mặt”. Việc Gibun của ai đó bị tổn thương có nghĩa nhân phẩm hay cái tôi của họ cũng mất đi. Gibun rất phức tạp. Giữ được bầu không khí hài hòa giá trị hơn đạt được những mục tiêu trước mắt. Người Hàn Quốc không ưu tiên việc nói ra sự thật tuyệt đối nếu điều đó làm tổn thương Gibun người khác. Họ cho rằng thành tích mà giữ được Gibun mới là thành tựu thực sự. Đó là lý do vì sao người Hàn Quốc phát triển các kỹ năng giao tiếp cá nhân có tính chất gián tiếp nhiều hơn.
Tại sao người Hàn tránh nhìn vào mắt?
Trong gia đình Hàn Quốc, ông nội là số một. Văn hóa phương Tây thích sự đổi mới, đề cao tuổi trẻ, công nghệ. Ngược lại Á Đông, cụ thể là Hàn Quốc, có xu hướng xem trọng người lớn tuổi và trí tuệ.
Người Hàn phải rất cẩn thận, khiêm tốn khi tiếp xúc với cấp trên. Theo truyền thống, việc nhìn thẳng vào mắt người lớn tuổi khi giao tiếp là điều thô lỗ, đặc biệt lúc bạn đang mắc lỗi. Nếu xem phim Hàn Quốc, bạn sẽ nhận thấy các nhân vật luôn ngắm sàn nhà khi nói chuyện với sếp của họ.
Giao tiếp bằng mắt trực tiếp, đặc biệt là trong thời gian dài = thách thức quyền lực. Quyền lực sẽ bị đáp trả bằng quyền lực 😂
Những điều khác về người Hàn Quốc
Sau cùng, người Hàn thô lỗ sẽ không bao giờ giữ thang máy hay mở cửa cho bạn. Nhưng thử nghĩ lại, đây có phải là điều cần phải làm hay không? Ai cũng mở được cánh cửa cho chính mình. Người Hàn Quốc đơn giản là không quan tâm đến những cử chỉ tốt đẹp này.
Tuy nhiên, nếu bạn kết bạn với một người Hàn Quốc, sau cuộc vui say sưa, họ sẽ gọi điện hoặc nhắn tin để xem bạn đã về đến nhà an toàn hay chưa. Nếu bạn gặp khó khăn, họ sẽ thực hiện sứ mệnh cổ vũ hay giúp đỡ. Họ sẽ rời bỏ lịch trình bận rộn của mình để dành thời gian cho bạn. Sau khi làm hết những việc đó, họ vẫn không giữ cửa thang máy cho bạn. Đó là người Hàn. Một người bạn Hàn Quốc có thể là một người bạn suốt đời, người bạn thô lỗ.
Đành chịu vậy. Có người này và có người kia, quan trọng vẫn là bạn thấy gì và muốn gì.