Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản

Có rất nhiều huyền thoại về xứ sở Phù Tang. Bởi vì người Việt, người Nhật khá mật thiết với nhau. Có thời điểm Nhật Bản từng là nước dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam. Đến nỗi Maria Ozawa còn chọn khu Lê Thánh Tôn để mở quán bar đặc trưng của cô ấy (quán hơi ế). Tuy nhiên, có những thứ khi bạn nói với người Nhật, họ sẽ rất ngạc nhiên. 

Dưới đây là các lầm tưởng buồn cười về Nhật Bản ngày nay.

1. Bánh Phú Sĩ 

Một cái tên rất Nhật. Bánh tròn như ngọn núi Phú Sĩ (Fuij), với quầng tuyết trên đỉnh được minh họa bằng lớp dừa mỏng. Nhưng ở Nhật không có loại bánh này nhé. Chưa rõ ai đã sáng chế ra nó ở Việt Nam và đặt cái tên Nhật đặc trưng như vậy.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Ảnh: naunuong.net

2. Cây Sake

Cây sake khá phổ biến ở nước ta, thân to đầy bóng mát, lá to dễ bề quét dọn, rụng lá nào đáng lá nấy. Chưa kể trái sake đem chiên mùi vị y như khoai tây. Tuy nhiên, người Nhật hoàn toàn không biết loại cây này, họ cũng không biết ở Việt Nam có cây tên sake. Trong tiếng Nhật, sake nghĩa là rượu, rượu gạo (kiểu như rượu đế miền Tây). Châu Âu gọi cây sake là cây Bánh Mì vì nó được ăn thay cho bánh mì trong chiến tranh thế giới thứ hai. Còn ở Việt Nam, không ai biết vì sao cây sake tên là sake nữa.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Ảnh: Hamman Mohamed | Unsplash

3. Bài hát “Mùa hoa anh đào”

Còn tìm đâu phút vui ban đầu

Bụi thời gian cuốn trôi về đâu…

Giai điệu đầy nuối tiếc này sử dụng âm giai ngũ cung được biết đến với tên gọi “âm giai Nhật Bản” (Japanese mode). Nhưng người sáng tác là nhạc sỹ Thanh Sơn, ông nổi tiếng với những ca khúc như Nỗi buồn hoa phượng, Thương về cố đô, Hình bóng quê nhà… Hoàn toàn không liên quan gì đến đất nước mặt trời mọc. Lỡ mai kia có du lịch đến Nhật hay làm cho công ty Nhật, đừng mạnh dạn lên sân khấu trình diễn một ca khúc nhạc Nhật lời Việt “Mùa hoa anh đào” nhé, người ta sẽ ngạc nhiên lắm.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Ảnh: Amy Tran | Unsplash

4. Truyện tranh là dành cho trẻ em

Không đúng. Ở Nhật có rất nhiều truyện tranh dành cho người lớn với muôn vàn nội dung. Một trong số đó có thể loại các thanh niên hơi hư hỏng Việt Nam hay nhắc đến: truyện tranh hentai. Thực chất, chữ hentai trong tiếng Nhật có nghĩa “biến thái, sự biến thái”. Và hentai rất phổ biến trong giới người lớn Nhật.

5. Người Nhật hay ăn cá sống

Họ ăn cả lươn sống và ngựa sống nữa. Thịt ngựa sống gọi là Basashi chủ yếu được ăn trong dịp Tết. Bạn có thể thử nó ở Sushi To đường Lê Thánh Tôn hoặc chi nhánh Song Hành xa lộ Hà Nội. Ngựa có thân nhiệt cao hơn bò, heo nên vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm khó sinh sôi. Tuy nhiên thật sự mà nói, món Basashi không dễ ăn nên chúng ta cũng không nhất thiết phải “ngựa” đến thế.

Riêng về món lươn sống, nó thật sự mắc tiền nhé. Nhìn chung lươn chín cũng thế, ở Nhật chỉ có người giàu mới thường ăn lươn thôi.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Ảnh: Our Regional Cuisines

6. Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật 

Câu nói này có thể đúng từ rất lâu rồi. Ngày nay các cô gái Nhật y như các cô gái Việt Nam vậy. Theo khảo sát gần đây của Japan Today, đàn ông Nhật hiện đại phải làm việc nhà còn các bà vợ Nhật đã lười đi ít nhiều. 

7. Bia ôm Nhật

Người Nhật cũng có bia ôm, nhưng phần lớn bên trong họ uống rượu. Bia ôm Nhật mang ý tưởng về một không gian cho những người đàn ông căng thẳng sau giờ làm. Ở đó, họ có thể làm những điều vui vẻ điên rồ mà không bị phát xét, đánh giá.

Tuy nhiên chỉ có điều bất tiện, cho dù bạn đi nhóm 5 người hay 6 người cũng một cô gái mà thôi. Vào bia ôm Nhật, bạn phải tham gia chơi trò chơi về kiến thức, trí tuệ hay sự nhanh nhạy… Sau cùng, người về nhất sẽ được ôm cô gái trong khi các anh còn lại há miệng nhìn theo đúng nghĩa đen.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Khu phố đèn đỏ Kubukicho ở Tokyo | Ảnh: Manuel Velasquez | Unsplash

8. Harakiri

Chúng ta thường nghe nói đến nghi thức mổ bụng harakiri như một bằng chứng về sự dũng cảm, quyết liệt của người Nhật. Tất nhiên những chuyện này xảy ra hơn 100 năm rồi. Người thực hành harakiri phải rạch bụng và tự tay lôi ruột (không lôi mỡ) của mình ra ngoài để chứng minh sự trong sạch.

Hiện nay không còn ai làm vậy nữa. Tuy nhiên, harakiri chỉ dành cho samurai. Những người tội phạm hay tầng lớp thấp không có vinh dự này (hoặc nếu có họ cũng từ chối). Vì vậy đừng lầm tưởng trong xã hội Nhật nhiều năm trước cứ hễ ra là mổ bụng nhé. Dù sao đi nữa, bạn cũng không cần phải sợ “hara-kiri” khi đến Nhật Bản ngày nay.

Những nhầm lẫn buồn cười về Nhật Bản
Cuộc sống thường nhật của người Nhật ở Tokyo | Ảnh: Liam Burnett-Blue | Unsplash

Phim ảnh, truyện tranh, truyền thuyết… có thể mang đến cho bạn rất nhiều ý tưởng về Nhật Bản dù những điều đó có đúng hay không. Nhưng như người ta thường nói, thấy mới tin. Hãy đến Nhật để tìm hiểu cuộc sống Nhật Bản đích thực nhé.