Hai năm trôi qua, nhưng tình không dám ngỏ
Tôi sợ thân mình là bọt bèo, làm sao ước mơ duyên tơ mai sau
Tôi sợ ngang trái làm mộng đời chua xót thương đau...
Những câu từ trên từ bản nhạc sến nổi tiếng của Việt Nam, một tình yêu run rẩy đầy sợ hãi. Người Nhật y như vậy. Đàn ông Nhật từ cổ chí kim thường yếu đuối và dễ xúc động, thậm chí bật khóc vì tình yêu (câu chuyện của Hoàng tử Hikaru Genji). Tất cả đều được truyền tải qua âm nhạc. Đa số những ca khúc đẫm nước mắt sau đây đều được dịch sang tiếng Việt nên rất quen thuộc với tất cả chúng ta.
Dù hầu hết đều chơi trên ngũ cung châu Á nên đôi khi người Việt vẫn nghĩ đây là nhạc Hoa. Thế nhưng giai điệu Nhật mượt mà hơn, các nốt biến chuyển đột ngột, sau cùng lại tạo ra nhiều khúc ngoặt êm ái. Phần phối âm luôn được chăm chút kỹ lưỡng, chỉn chu. Đặc biệt lời bài hát, đôi khi vài câu rời rạc như bài thơ haiku vô nghĩa, nhưng chìm sâu trong đó là một nội dung dịu dàng buồn bã. Chỉ có điều đa số nhạc Nhật vẫn phổ biến bên trong nước Nhật nên các bản youtube mà Sloth cố gắng sưu tập lại ở đây đôi khi có chất lượng âm thanh không đủ tốt. Dù sao, có còn hơn không. Hãy thử xem người Nhật sến như thế nào nhé.
1. Kandagawa - Dòng sông Kanda
Một bản ballad tự sự bắt đầu bằng âm thanh trùng của tiếng đàn dây da diết, trong lúc tiếng guitar với những sợi dây được lên hơi căng, rải từng nốt đanh lạnh. Bài hát kể về chuyện tình đẹp thuở niên thiếu bên dòng sông Kanda trong mùa đông giá buốt. Khoảng thời gian trung học thường đẹp nhất trong cuộc đời người Nhật nên bài hát Kandagawa thể sự nuối tiếc dai dẳng như vết cắt sâu thẳm trầm ngâm bằng cả giai điệu lẫn lời lẽ. Trong tiếng Nhật, không có động từ "yêu", "love". Tuy nhiên người ta cũng biết cách nói về nó bằng cách thức êm ái nhất: Thuở nhỏ, anh đâu biết sợ điều gì ngoài sự dịu dàng của em...
Bản tiếng Việt của ca khúc này có tên "Nụ hôn vĩnh biệt" được trình bày qua giọng hát vintage của Ngọc Hương, với nội dung hoàn toàn khác hẳn dù phần phối âm giữ lại rất nhiều từ bản gốc.
2. Hana - Hoa
Tên đầy đủ của bài hát này có nghĩa "Hoa trong tim mỗi người". Phiên bản gốc được thu âm năm 1980 trong album Bloodline của ban nhạc Champloose. Bài Hana được đón nhận rộng rãi và biểu diễn ở hơn 60 quốc gia trên thế giới bao gồm cả những vùng đất xa xôi như Argentina.
Nhưng đến năm 1995, khi Satoko Ishimine cover lại lần nữa đã tạo nên một làn sóng lớn lan khắp Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan... Giai điệu tuyệt đẹp cùng đoạn giang tấu guitar da diết chinh phục toàn châu Á, dù chất giọng Ishimine mỏng, dường như đã cố gắng hết sức ở những nốt cao. Tuy nhiên bài hát giản dị thật sự cuốn hút người nghe bởi giai điệu mê hoặc cùng sự uyển chuyển như dải lụa mềm mại của nó.
Bản tiếng Anh của ca khúc Hana qua phần trình bày của Hayley Westenra cũng khá lạ. Bạn có thể thử tìm nghe giọng hát ngọt ngào trong vắt này. Bản dịch tiếng Anh khá sát với ca khúc gốc: Dòng sông chảy về đâu, mọi người rồi sẽ về đâu...
3. Yuyakenouta - Chiều Tà
Khúc Hoàng hôn được sáng tác bởi Khji Makaino năm 1989, nhưng cho đến bản phối rock của Masahiko Kondo được phát hành, ca khúc này mới trở nên nổi tiếng ra ngoài nước Nhật. Bài hát kể về một buổi chiều, khi mối tình tan vỡ với cái vẫy tay tạm biệt chỉ diễn ra trong tim. Hoàng hôn uất hận đó lặp lại mỗi năm trong lúc chàng trai cố giấu đi những giọt nước mắt mà anh ấy cho là yếu đuối vào trong.
Không nhất thiết phải hiểu tiếng Nhật, nhưng chỉ cần nghe từ 1:35 - 2:10 bạn cũng có thể hiểu được nỗi chia xa này. Giữa âm thanh nền trong trẻo, tiếng guitar điện đục ngầu bị xé nát rên rỉ những nốt chậm rãi, kể lể câu chuyện chiều tà buồn bã lặp đi lặp lại này.
Bài hát Yuyakenouta cũng được sử dụng trong phim A Better Tomorrow, đạo diễn Từ Khắc và vai diễn ghi dấu ấn đầu tiên của Châu Nhuận Phát. Phiên bản tiếng Việt có tựa đề Tan Vỡ có nội dung khá giống với bản gốc.
4. Sukiyaki
Tên thật là "Ue o muite arukou", quá khó đến nỗi khi ra nước ngoài, nó được đổi thành Sukiyaki mà không có lý do cụ thể nào. Đây cũng là ca khúc Nhật nổi tiếng nhất thế giới, đã từng đứng đầu danh sách bán ra ở Mĩ và cũng chỉ mình Sukiyaki làm được điều này. Dù có giai điệu khá vui tươi nhưng nội dung bài hát khá tối:
Ngước mặt lên và bước đi
Để nước mắt không phải rơi xuống
Nghĩ về những ngày xuân
Trong một đêm cô độc...
Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nhiều của nền âm nhạc giới nên bạn có thể thấy ca khúc này được chẻ thành 8 nhịp, cộng với giọng hát mượt mà của Kyu Sakamoto, phần hòa âm... Rất dễ liên tưởng đến Elvis Presley.
Có nhiều bản cover ca khúc này nổi tiếng không kém bản gốc. Có thể kể đến A Taste of Honey với tiếng đàn Côtô lăn tăn đầy âm hưởng Á Đông:
Và hàng trăm phiên bản khác, trong đó có Việt Nam với tựa đề: Ân tình xưa.
5. Ruju: Son hồng
Một cô gái yêu thích màu son hồng đuổi theo mối tình tuyệt vọng. Ngày qua ngày, cô nhìn thấy mất mát của chính mình qua những màu son khác nhau trên môi, cho đến khi nhận ra sắc hồng ngày xưa chính là kỉ niệm đau buồn nhất. Bài hát do Miyuki Nakajima sáng tác nhưng không được đón nhận tại Nhật. Mãi đến lúc Ayako Fuji biểu diễn lại với bản phối mạnh mẽ và câu guitar phức tạp đặc trưng kì dị, bài hát này mới thật sự nổi tiếng. Chỉ trong khoảng 30 giây từ 1:25 - 1:55, khúc giang tấu dựa trên hợp âm C (Đô trưởng) nhưng intro lại ở G7 (Sol 7) và bắt đầu bằng nốt cảm âm B (Si). Giai điệu này xuất hiện lại trong hầu hết các bản cover khắp châu Á trừ bản techno bí ẩn của Jessica Jay có tên Broken Heart Woman.
Phiên bản của Miyuki Nakajima với chất lượng âm thanh khá tệ:
Bản tiếng Việt có tên "Người tình mùa đông" rất quen thuộc. Tuy nhiên nội dung khá vô nghĩa so với bản gốc:
Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa em không đến...
Tình yêu nồng thắm kiểu gì mà chỉ vì một cơn mưa nho nhỏ thôi đã không dám ra khỏi nhà.
Trên đây là năm ca khúc kinh điển của xứ sở Phù Tang. List đầy đủ ở đây:
Nếu bị những giai điệu này mê hoặc, bạn có thể thử tìm kiếm và nghe thêm nhiều bài hát khác, bắt đầu từ Ayako Fuji. Bởi vì nhạc của bà có giai điệu đẹp và say đắm lòng người. Hãy thử nhé.