Nhà vô địch flex

Bạn có thể ngồi nói cả ngày về cái bánh thần thánh tự làm tối qua hay bàn thắng vừa ghi trong trận đá phủi. Đó là những thứ ai cũng làm được nhưng bạn làm ngầu hơn, ngoạn mục hơn. Một số người không như vậy, họ muốn trưng ra sự giàu có, xa hoa mà người khác không thể với tới, khẳng định đẳng cấp kinh hoàng của mình. Đó là kiểu flex gây khó chịu, nhưng nó không hẳn xấu ở Hàn Quốc, nơi flex hầu như trở thành một văn hóa.

Flex kiểu Hàn

Có một phương châm ở Hàn: Nếu không có, hãy giả vờ có cho đến khi bạn thành công.

Theo mặt tích cực nào đó, việc flex thúc đẩy bạn. Khoe khoang sự giàu có của mình hoặc ít nhất tỏ ra giàu có là nguồn cảm hứng chính đáng chứ không phải thói xấu. Kiểu gì thì cứ hành động theo cách này, một ngày kia bạn cũng trở thành đại gia thực thụ.

Nhà vô địch flex
Ảnh: Christopher Lee | Unsplash

Người Hàn flex như vậy. Sống dưới áp lực đó không phải để chơi cho vui mà là chơi cho được. Tất nhiên, ở đâu cũng vậy, người được không nhiều.

Nào cùng flex kiểu Hàn!

Người Bắc thường đùa: “Con mình đậu đại học không vui bằng con hàng xóm rớt”. Người Hàn không đùa, thành ngữ của họ có câu “Anh họ tôi mua đất, tôi đau bụng”. Nghe muốn cười… đau bụng theo.

Ngoại hình, quần áo, xe hơi… có ảnh hưởng lớn đến cách người Hàn đánh giá nhau. Đây là đất nước có trình độ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới. Tuy nhiên đẹp thôi chưa đủ, tiếp theo bạn phải sở hữu những thứ làm người khác ganh tỵ nữa, kiểu như lái Audi, sống trong biệt thự khu Gangnam… Ộp pa mà ở trọ, nhà thuê, đi Civic chắc chắn chẳng ộp được ai, ộp pa nhất định phải Gangnam style.

Ngày nay, khi kinh tế toàn cầu đi xuống, tình yêu hàng hiệu chưa bao giờ chết đi ở Hàn Quốc. Thậm chí các nghiên cứu đều cho thấy những người mua chúng ngày càng trẻ hơn. Một cuộc thăm dò năm 2020 đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy 56,4% trong số các em đã từng mua hàng hiệu. Thử tưởng tượng học sinh trường Lê Quý Đôn mang túi Chanel đến lớp và phân nửa lớp đụng hàng nhau. Hẳn giáo viên chủ nhiệm cũng phải nguyên cây LV.

Nhà vô địch flex
Ảnh: Tycho Atsma | Unsplash

Điều này có thể do trào lưu K-Pop quá mạnh trên đất nước khai sinh ra nó. Một kiểu gậy ông tự phang nhẹ xuống lưng ông, các ngôi sao ban nhạc Blackpink đều làm đại sứ thương hiệu cho các brand xa xỉ như Dior, Chanel hay Saint Laurent. Hàn Quốc tìm cách xuất khẩu văn hóa nhưng chính văn hóa cũng quay trở lại với họ ít nhiều.

Sự bắt đầu của flex

Theo thành ngữ Hàn, trước khi thành công, ai cũng phải đi qua đoạn giả vờ. Nếu chúng ta có Saigon Square, Seoul có Dongdaemun, khu chợ hàng pha ke lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, người Việt dắt tay nhau tung tăng đi mua hàng nhái chỉ vì thích mua sắm, người Hàn kín đáo, e thẹn hơn. Chợ Dongdaemun chỉ sôi động vào ban đêm, khi mặt trời buông xuống phù hợp cho việc ngượng ngùng. Bạn bè đồng nghiệp có thấy nhau cũng không thể hồ hởi tay bắt mặt mừng, rủ nhau mua sỉ rẻ hơn mua lẻ.

Không ai bị phạt vì dùng hàng hiệu nhái, nhưng sự “mất mặt” sẽ rất nặng nề. Đặc biệt khi bạn là KOL, việc bị phát hiện đeo túi xách Saigon Square sẽ phá hủy sự nghiệp của bạn. Một rapper tên Sleepy từng thú nhận mặc dù trên người đầy hàng hiệu nhưng tài khoản anh ấy chỉ có số tiền tương đương 1,3 triệu đồng. Những người Hàn Quốc bình thường ăn mì gói trong nhiều tháng để mua túi Burberry không có gì lạ.

Nhà vô địch flex
Ảnh: Bundo Kim | Unsplash

Thật ra, ở đâu cũng vậy, cảm giác hơn hẳn mọi người xung quanh thật phấn khích nhưng hậu quả của nó có thể kéo dài đau đớn. Bởi vì quá trình “giả vờ cho đến khi thành công” thường kéo dài hơn chúng ta tưởng tượng. 

Cuối cùng, người Hàn Quốc khoe khoang vì họ muốn thể hiện sự thành công, cố gắng cho bạn biết họ có gì, sống ở đâu và đang làm gì. Flex để tạo áp lực cho chính mình cũng tốt vì trong khía cạnh nào đó, nó không đến nỗi vô nghĩa. Tuy nhiên, khi nhìn sang bên cạnh, người Nhật lại cố giấu kín những chuyện này. Văn hóa là khác nhau, người Hàn có xu hướng tìm thấy sự tự tin trong các mối quan hệ - không phải trong chính bản thân mình. Nhưng dù sao, hãy nhớ rằng cuộc đua để khoe khoang về sự giàu có và tiền bạc – để không thua kém bất kỳ ai và chứng tỏ rằng bạn là “một trong số họ” thường không có hồi kết.

“Chim ưng khôn ngoan không để lộ móng vuốt” | Sloth
Chúng ta, người ở Sài Gòn từ lúc nào đã quá quen với thuật ngữ “PR bản thân” và những hồ sơ online siêu khủng của các siêu nhân trên cõi mạng. Ở một đất nước khác, giàu có, phát triển hơn gấp nhiều lần cho thấy cái nhìn ngược lại.