Bạn vào văn phòng sớm, chỉ có một cô gái duy nhất ở đó. “Trời! Chị đi làm sớm ghê!”… Trong khi đây chính là người bạn ghét nhất. Sau cùng, không dễ để nói: “Nhìn mặt chị khó ưa ghê” vào buổi sáng, cũng không thể im lặng tạo ra bầu không khí kỳ quặc đúng tâm trạng. Những quy tắc xã hội đặt ra cho chúng ta như thế.
Cố gắng quá mức mang lại mệt mỏi cho cả hai phía. Kiểu như “Tôi sẽ nhắn tin cho bạn ngày mai”, biết đâu người kia có ý chờ đợi thật. Hoặc bạn phải mất thời gian soạn thảo những dòng chữ bóng bẩy không nội dung.
Rõ ràng hiện nay, một số tiến bộ trong công nghệ có thể giúp bạn trở thành người lịch sự giỏi hơn. Kiểu như đưa cuộc gọi của ai đó vào hộp thư thoại để trông có vẻ bạn rất tiếc vì bận rộn và chỉ nhận được như thế, nhưng thực tế đó là tất cả những gì bạn muốn làm.
Muôn màu lịch sự
Ở Nhật, khi bạn hỏi một đồng nghiệp về việc có thích sếp hay không. Nếu anh ấy trả lời “thích”, điều đó có nghĩa “không thích”. Nhưng khi “Thích chứ, hôm nào tôi định mời ông ấy đi uống bia”, lúc này mới có thể tin rằng anh ta thích thật. Người Nhật có xu hướng lịch sự với tất cả mọi người và làm nhẹ đi mọi hoàn cảnh, nhưng họ biết rõ trọng lượng riêng của từng tình huống để tìm ra sự thật.
Ngược lại, người Mĩ vốn thích sự thân mật nhanh chóng và chủ yếu lịch sự với những người họ nghĩ rằng sẽ kết bạn. Vì thế các câu chào hỏi của họ có xu hướng hơi riêng tư, kiểu như “What’s up?”, “How’s going?”. Những câu này mang ý nghĩa khá riêng tư kiểu như “Bạn đang có chuyện gì vậy?”. Nhưng người Mĩ cũng nghĩ ra cách trả lời chung chung tương đương: “Not much, you?”, “Fine, and you?”
Một ví dụ rõ ràng khác, khi bạn làm việc với người Trung Quốc, họ thường hỏi “Ăn cơm chưa?” mặc dù lúc này đã là bốn giờ chiều. Đó đơn giản chỉ là một câu chào khoác lên mình vẻ bề ngoài ẩm thực.
Những tình huống lịch sự khắp trên thế giới này đều được phát triển vượt bậc đến nỗi để hiểu được chúng, bạn phải am tường văn hóa, con người, ngữ cảnh…
Lịch sự kiểu Việt – duyên ngầm trong sự vòng vo
Người Việt cân bằng giữa Nhật và Mĩ, không quá thảo mai, cũng không quá sỗ sàng. Họ biết cách truyền đạt ý tưởng của mình khéo léo vòng quanh các khuôn phép.
Một ví dụ cổ điển bạn có thể thấy trong các tác phẩm như Lục Vân Tiên, khi chàng quân tử cứu mạng cô gái, tình huống không nhất thiết luôn là “lấy thân đền đáp”, nó phụ thuộc vào việc hai bên muốn gì.
Nếu quân tử đẹp trai, vừa mắt, cô gái sẽ đem chính mình ra. Bằng không, tiểu thư kia có thể hứa: “Kiếp sau nguyện làm thân trâu ngựa…”. Còn kiếp này mọi việc đành kết thúc ở đây.
Ở chiều ngược lại, khi cô gái “lấy thân đền đáp”, quân tử có thể chấp nhận bằng câu “Lời cô nương nói là thật sao” hoặc từ chối “Không không, chuyện này ngàn lần không được”. Lý do vì sao “không được” có thể không tiện chia sẻ.
Tổ tiên của chúng ta đã ý nhị đến thế.
Ngày nay, câu kinh điển bạn thường được nghe nhất sẽ là: “Hôm nào rảnh cà phê”. Nhưng hôm rảnh đó có thể không bao giờ xảy ra, nó chỉ là lời chào tạm biệt nhẹ nhàng mà thôi. Thật ra, bên kia cũng không chờ đợi.
Hoặc khi nhận một lời mời sinh nhật, tiệc tùng nào đó, câu trả lời “Tôi sẽ cố gắng thu xếp” luôn mở cho bạn hướng đi an toàn sau đó. Có thể tôi đã cố gắng rồi nhưng không tài nào thu xếp nổi.
Nhìn chung, trong phép giao tiếp của người Việt, khi câu trả lời lưng chừng, không cụ thể; ý nghĩa của nó thường là phủ định hoặc không tồn tại.
“Hôm nào có dịp sang văn phòng em chơi nhé!” – “dịp” là thứ gì đó quá ngẫu nhiên.
Lịch sự không chỉ là giả vờ
Trong xã hội văn minh, dù tầng lớp nào đi chăng nữa, cách cư xử lịch thiệp sẽ sinh ra sự lịch thiệp. Lịch sự không bắt bạn phải làm điều mình không muốn – bởi vì cuộc sống cũng cần trung thực. Tuy nhiên, hãy thử đặt tình huống bỏ hẳn "lịch sự" ra khỏi tính cách ai đó, những gì còn lại quả thật quá mức thô thiển, xù xì. Cuối cùng, lịch sự vẫn đẹp hơn "bất lịch sự" rất nhiều.
Vì vậy, hãy khéo léo như những tiểu thư, quân tử bên trên: truyền đạt ý nghĩ có trong đầu mình, nhưng không làm người khác phải tổn thương.
