Giờ cao su

Chúng ta ai cũng có một người bạn, nếu hẹn họp mặt 9 giờ thì 11 giờ sẽ lò dò đến, có lúc do kẹt xe, bể bánh xe, công an thổi, không tìm ra điện thoại, lộn giờ, ngủ quên… Sau khi tất cả các nguyên nhân trên đã được sử dụng, bạn nhăn răng cười: Trễ xíu 😄 Hai tiếng chứ mấy!

Công ty nào cũng có một nhân viên, giờ làm việc 8 giờ 30 nhưng ngày nào cũng 10 giờ rưỡi đến 11 giờ mới có mặt. Có lúc do kẹt xe, bể bánh xe, công an thổi, giúp bà lão qua đường, giúp ông lão, giúp em bé, giúp tất cả những người trên trong một buổi sáng, cứu thế giới… Sau khi tất cả các sự kiện trên xảy ra lần lượt thì không may ngày cuối, anh này bị ngủ quên.

Dễ thấy nhất, khi bạn đi dự một tiệc cưới, thông thường thời gian ghi trên thiệp sẽ là 6 giờ nhưng thực tế buổi tiệc sẽ chỉ bắt đầu lúc 7 hoặc 8 giờ, sau khi hầu hết các khách mời đã đến hoặc cặp đôi nhân vật chính đói đến nỗi không thể chờ lâu hơn được nữa.

Giờ cao su
Ảnh: Huy Mai

Trong chừng mực nào đó, văn hóa của chúng ta đã phá vỡ những quy tắc vật lý. Bởi vì thời gian là cố định và tuyến tính. Tuy nhiên ở đây nó bị bẻ cong, kéo giãn hoặc co lại như cao su. Vì vậy chúng ta có “giờ cao su”, một khái niệm kỳ lạ.

Giờ cao su có xấu không?

Nếu bạn từng đến Nhật hoặc Mĩ, buổi sáng của mọi người luôn bắt đầu bằng những bước chân dài, gầp gáp sải nhanh trên đường. Xã hội hiện đại gây áp lực buộc tất cả phải đúng giờ và tận dụng thời gian theo cách khôn ngoan nhất. Các sự kiện bắt đầu vào thời điểm cố định. Cửa hàng, quán ăn đóng cửa vào giờ cụ thể buộc chúng ta phải mua nhanh hơn, ăn nhanh hơn. Một chuyến tàu đến trễ hơn dự kiến vài phút, những người đang chờ ở sân ga sẽ nghe thấy thông báo xin lỗi đầy ăn năn.

Những điều này thật căng thẳng.

Giờ cao su
Ảnh: Fahrul Azmi | Unsplash

Ranh giới giữa việc kiểm soát thời gian và bị thời gian kiểm soát hơi mờ nhạt. Thật khó để thư giãn khi bạn phải làm mọi thứ chính xác vào một thời điểm cụ thể. Kiểu như uống cà phê trong 15 phút và buổi hẹn hò lãng mạn chỉ trong 2 tiếng trước chuyến tàu cuối cùng.

Hãy thử tưởng tượng, bằng cách nào đó chiếc đồng hồ của bạn chậm hơn bình thường, một giờ luôn có 120 phút. Thế là bạn tha hồ thực hiện mọi thứ chậm rãi, từ tốn như chú rùa đầy kinh nghiệm.

Chất lượng của thời gian quan trọng hơn độ chính xác

Thái độ đối với thời gian ở mỗi nước đều khác nhau. Những nước như Đức, Nhật, Singapore… nơi mọi người quan niệm “thời gian là tiền bạc” thường có định hướng kinh tế. Khi bạn đến trễ, không nên có lý do nào hết. Hãy ra khỏi nhà trước một hoặc hai tiếng để dắt tất cả mọi người qua đường và cứu thế giới.

Quay trở lại Việt Nam. Bạn không thể giận đứa bạn luôn đến trễ của mình. Bởi vì có giận, nó cũng chẳng đến sớm hơn được. Người ta đã sinh ra trong hình bóng của một chú rùa. Dù gì thì cũng là bạn nhau rồi. Ý tưởng về thời gian cao su thật ra có ý nghĩa tích cực trong việc thư giãn, tận hưởng cuộc sống và tôn trọng nhịp độ của mọi thứ diễn ra. Bạn cũng không thể nào buông lời thề: “Không bao giờ đi đến đám cưới nào hết”. Vậy đám cưới của bạn thì sao? Lúc này đành phải thề: “Không bao giờ cưới”. Chẳng may mà mọi thứ linh ứng 😦

Giờ cao su
Ảnh: Tron Le | Unsplash

Giờ cao su dùng để phản ánh một thực tế rằng trong văn hóa Việt Nam, lịch trình rất linh hoạt và việc đúng giờ không phải tự nhiên mà có, chúng cần được nhắc đi nhắc lại thân mật vài lần. Điều này cực kỳ đúng đối với những sự kiện như cuộc hẹn bình thường hoặc tiệc tùng tập thể.

Dù sao, ngày nay chúng ta cũng đã đi những bước rất dài và việc tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc ngày càng phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể bạn gặp ai đó lang thang trên đường với ly cà phê trên tay rất chill trước giờ làm việc, nhưng bạn cũng gặp những người phóng xe máy như bay trên đường nữa. Tuy vậy, trong những lúc vội vã bấn loạn, chỉ cần bạn chậm lại, hít một hơi sâu và nhìn lên bầu trời xanh thẳm, thời gian sẽ bắt đầu giãn ra như cao su, giây phút kéo dài hơn một chút và tách dần ra khỏi hiện tại rối bời.