Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo

Nếu bạn cảm thấy quá phiền phức khi nhìn chiếc áo chống nắng luộm thuộm gây ra nhiều tai nạn lớn nhỏ không đáng có bằng sự vướng víu bất tiện của nó, thì đó là vì chiếc áo này được thiết kế quá dở. Xung quanh chúng ta, những phát minh nho nhỏ tưởng chừng rất bình thường, nhưng nếu không có nó, thế giới đã khác đi rất nhiều.

Dễ tưởng tượng hơn về cần gạt nước: khi bạn đang chạy với tốc độ 120km/h trên cao tốc Long Thanh - Dầu Giây và bỗng nhiên mưa nặng hạt. Lúc này thò đầu ra ngoài cũng dở mà dừng lại cũng không xong...

Năm 1969, thế giới bắt đầu dùng cần gạt nước ô tô trên chiếc xe Ford đầu tiên. Đây là một phát minh cực kỳ hữu ích của Robert Kearns. Người sau đó đã dùng cả quãng đời còn lại của mình để chống lại các hãng xe đánh cắp thiết kế của mình, đặc biệt là Ford. Trước khi nói đến Robert Keans, hãy cùng tìm hiểu một chút về nhân vật phản diện ở đây: Henry Ford, người thành lập hãng xe Ford nổi tiếng.

Henry Ford

Ngày nay đa số những kỹ sư, người phát minh sáng tạo thường làm việc cho công ty hay tập đoàn nào đó. Trước kia không như thế, những nhà phát minh hoạt động độc lập. Một kiểu freelancer hay gọi như “khởi nghiệp phát minh” cũng được. Lâu lâu tạo ra được thứ gì đó mới mẻ, những người này đi đăng ký và bán lại chúng cho các công ty.

Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo
Ảnh: Henry Ford Museum

Henry Ford ghét bằng sáng chế. Không có quyền lực nào trên trái đất ngoài Tòa án có thể buộc ông trả tiền bản quyền cho ai. Ở hãng xe của mình, thay vì phải dùng phát minh của những freelancer kể trên, Henry Ford luôn bắt đội ngũ kỹ sư tự tạo ra chúng hoặc có một giải pháp tương đương.

Ông thật sự nghĩ rằng hệ thống bằng sáng chế tạo ra những kẻ ăn bám lười biếng thay vì thúc đẩy tự do cạnh tranh và sự sáng tạo thật sự.

Tại sao ông Ford lại “phản diện” như vậy? Nguyên nhân đầu tiên có thể lại bắt nguồn từ một nhân vật siêu phản diện khác: George Selden.

George Selden là ai?

Vào thời kỳ sơ khai của hệ thống cấp bằng phát minh sáng chế, mọi thứ thật sự đơn giản.

Năm 1879, George Selden nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế ô tô. Trong hồ sơ, Selden mô tả một chiếc máy có động cơ đốt trong, chạy bằng xăng, có thắng chân, truyền động, tay lái… Ông Selden chưa bao giờ chế tạo ra chiếc xe như vậy. Ông không phải thợ cơ khí mà là một luật sư chuyên về bằng sáng chế. Selden tin rằng trong tương lai không xa, mọi người sẽ di chuyển bằng những chiếc ô tô như ông hình dung và ông muốn độc quyền về chúng.

Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo
Mô hình bằng sáng chế ô tô của Selden | Ảnh: International Museum of American History

Trong những năm tiếp theo Selden chờ đợi những người chế tạo ô tô thực sự sản xuất ra một chiếc như thế, đồng thời thành lập một Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô được cấp phép. Hiệp hội tuyên bố rằng bất kỳ ai không nhận được giấy phép từ họ và trả tiền bản quyền 1,4% trên mỗi chiếc ô tô sẽ vi phạm Bằng sáng chế Selden và bị kiện. Những năm tiếp theo nữa, 85% ngành công nghiệp ô tô thật sự nằm trong sự cấp phép của hiệp hội này. Đây quả thật làm giàu không khó.

Cuộc chiến của Henry Ford

Năm 1903, Henry Ford, khi đó là một kỹ sư vô danh, đã thành lập Công ty Ford Motor. Ông nộp đơn xin giấy phép từ Hiệp hội của Selden nhưng không được chấp nhận vì bị đánh giá là tiệm lắp ráp chứ không phải nhà sản xuất ô tô. Ford vẫn quyết định sản xuất và bán xe của mình. Ông tuyên bố không trả tiền bản quyền cho bằng sáng chế của Selden, rằng bằng sáng chế đó vô nghĩa và chiếc máy mà Selden mô tả trong phát minh thật ra không thể chạy được. Selden lập tức kiện Henry Ford.

Henry Ford không sợ hãi mà ngược lại, thực hiện một cuộc tấn công tổng lực vào hệ thống bằng sáng chế. Năm 1911, Ford thắng kiện Selden, giải tán luôn cái hiệp hội kỳ lạ kia, đưa mình lên vị trí thống trị trong ngành công nghiệp ô tô. Các thế hệ người Mỹ tiếp theo xem Henry Ford là nhà phát minh ra xe hơi thật sự chứ không phải luật sư George Selden với các tưởng tượng trên giấy.

Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo
Những chiếc Ford đời đầu | Ảnh: CNN

Robert Keans vs Ford

Robert Keans, một nhà phát minh freelance sau khi sáng tạo ra cần gạt nước cho kính ô tô đã đến gặp Ford, hãng xe mà ông thần tượng để hợp tác. Sau cùng, các kỹ sư của Ford học cách làm này, đúng như ý muốn của Henry Ford, sản xuất ra hàng loạt xe có cần gạt nước đầy ý nghĩa và bỏ qua ông. Các hãng Mercedes, Porsche, Volkswagen… sau đó nối gót.

Robert Keans khởi đầu một vụ kiện kéo dài 12 năm để kiện Ford. Trong thời gian này, ông khánh kiệt đến nỗi phải tự đọc luật và làm luật sư cho chính mình, gia đình tan vỡ và muôn vàn sự sụp đổ khác, chỉ vì muốn đòi công bằng cho phát minh cần gạt nước.

Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo
Ảnh: kate rumyantseva | Unsplash

Thật ra nhiều quan điểm xã hội lúc bấy giờ cũng đồng tình với việc “Các bằng sáng chế nhằm mục đích khuyến khích sự đổi mới, chứ không phải quyền sở hữu cố định.”

Vụ kiện cũng trở nên phức tạp bởi vì những bồi thẩm đoàn không được phép quyết định tính hợp lệ về bằng sáng chế. Các luật sư của Ford lập luận rằng cần gạt nước của Robert Kearns không có điểm mới. Các bánh răng từng được con người sử dụng hay động cơ điện, thanh gạt… đều là những yếu tố cũ vì vậy đó chẳng có vẻ gì là phát minh cả. Giai thoại kể rằng trong giờ giải lao, Robert Kearns đã mua quyển sách danh ngôn và ông đọc trước tòa một câu nói của Napoleon. Sau đó ông lập luận: Napoleon không nói gì mới, những từ ngữ này đã được sử dụng từ xa xưa, nhưng câu nói này vẫn là của Napoleon.

Sau cùng, Robert Kearns thắng kiện với số tiền đền bù thực tế thấp hơn so với số Ford đưa ra để thỏa thuận hủy bỏ phiên tòa. Tuy nhiên theo ông, tất cả những chuyện này không phải chỉ vì tiền.

Định nghĩa sáng tạo

Ngày nay, trong số những định nghĩa về sáng tạo, có một câu đáng chú ý: “Sáng tạo là sự tổng hợp mới của những yếu tố cũ”

Các bạn nghĩ định nghĩa này có đúng hay không?

Một ví dụ:

Red Dot Design là một giải thưởng danh giá về thiết kế công nghiệp. Giải này từng trao hạng mục “Best of the best” cho Gao Yuan, Ye Yiwen, Wei Xinyi và Zhao Yi. Hãy nhìn thiết kế chổi phát sáng của họ.

Cần gạt nước và câu chuyện sáng tạo
Ảnh: Trendhunter

Những dây đèn mảnh này quá quen thuộc mỗi dịp trung thu về ở Việt Nam. Tuy nhiên, để quét sạch những góc tối hay phát sáng cho công nhân vệ sinh vào ban đêm, ứng dụng này trở nên khác hẳn.

Cũng như chiếc cần gạt nước vậy, không có yếu tố nào mới. Nhưng sự kết hợp những yếu tố cũ kia đã cứu sống biết bao con người. Hoặc ít nhất, bạn không phải nhìn thấy các quý ông thò đầu ra cửa sổ lau kính xe mỗi khi mưa xuống, hoặc các quý bà để bảo vệ các lớp phấn son của mình đành cứ thế mà đi thôi... Chuyện này có thể xảy ra lắm.