Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 1)

Đi làm, bạn có thể chọn công ty nhưng không thể chọn đồng nghiệp. Đôi khi chúng ta than phiền lẫn nhau giữa người Việt bởi vì sự chung đụng và hiểu biết khá rõ về nhau. Còn với người nước ngoài, những bất đồng đành trôi tuột, đơn giản vì chẳng biết phải làm sao. Chúng ta chịu đựng họ và ở chiều ngược lại, chắc hẳn họ cũng ngán chúng ta ít nhiều. Không có ai sai, đơn giản chỉ vì sự khác biệt.

Dù sao, điều đó cũng tạo nên nét sống động của cuộc sống, công sở, văn phòng… Chỉ cần chú ý vài điểm sau đây nếu bạn đang…

Làm việc với người Nhật

Điều làm chúng ta ngán ngẩm nhất ở những người con từ đất nước Doraemon này chính là các cuộc họp triền miên để giải quyết mỗi vấn đề nho nhỏ. Cốt lõi nằm ở việc các anh Samurai tuy có thể mổ bụng nhưng lại sợ trách nhiệm và mất rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định. Trong các cuộc họp lê thê đó, người Nhật cũng tránh nói ra ý kiến bất đồng của mình. Vì vậy nếu bạn đề xuất cách A, B, C nhưng anh sếp bỗng nhiên quay sang nói về thời tiết ở Tokyo, mây mù Tây Bắc, nghĩa là anh ấy không tán thành. Có một bí mật nhỏ, sự rõ ràng bác bỏ của chúng ta thường bị người Nhật phàn nàn “sao người Việt lại thẳng thừng quá mức như thế”.

Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 1)
Ảnh: Amos Bar-Zeev | Unsplash

Người Nhật còn có khái niệm làm việc “guarantee”. Nghĩa là có thể lơ mơ gật gù trong giờ hành chính sau đó bật dậy hăng say từ lúc 6 giờ chiều cho đến đêm muộn. Người Việt chịu thua với phong cách kỳ lạ này.

Trong vui chơi, nếu được, tránh rủ rê Nhật đi bia bọt. Họ uống rất nhiều, rất khuya nhưng sáng hôm sau có mặt đúng giờ ở văn phòng. Trong khi Việt Nam đến tận trưa mới lê bước vào hoặc xin nghỉ hẳn. Chuyện này thì chúng ta không bằng họ.

Làm việc với người Ấn

Nỗi khổ lớn nhất khi làm với người Ấn, đó là dù cùng học tiếng Anh giống nhau nhưng chúng ta không hiểu họ nói gì. Kiểu English rộn rã, rầm rập, rùng rợn trong các cuộc họp như pháo dội vào lòng chảo Điện Biên làm tất cả ngất ngây, ngật ngưỡng. Người Ấn nói nhanh, nói nhiều, liến thoắng. Tuy nhiên có mẹo nhỏ để hiểu, đó là bạn chỉ việc ngồi im chờ thiên tài ngôn ngữ nào nghe được sẽ phản hồi và dựa trên đó, bạn biết đồng nghiệp Ấn của mình nói gì.

Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 1)
Ảnh: Shubham Pawar | Unsplash

Nỗi khổ thứ hai: các đồng nghiệp Ấn có kiểu mùi không mấy dễ chịu, nhất là trong không gian hẹp. Cho dù họ có tắm trong nước hoa đi chăng nữa vẫn hữu xạ tự nhiên hương cà ri nồng nặc.

Tuy nhiên, các đồng nghiệp Ấn rất giỏi về số, tính toán. Họ thông minh nhưng một số ít trong họ không cho chúng ta thấy sự rõ ràng, dễ nắm bắt như người Việt kỳ vọng. Bạn cũng nên cẩn trọng trong cư xử với cộng đồng Ấn, bởi vì khác hẳn chúng ta, họ đề cao tầng lớp xã hội, điều người Việt không mấy quan tâm.

Làm việc với người Hàn Quốc

Đời không như phim, nhất là phim Hàn. Có lẽ ngày nay người Hàn đã ý thức xây dựng hình ảnh dân tộc cho các mục đích kinh doanh của mình nên chúng ta phần nào quên đi những sự cố quản đốc Hàn tác động vật lý vào công nhân Việt. Tuy nhiên, không phải người Hàn xem thường người Việt, bởi vì họ cũng tác động vật lý lẫn nhau nữa. Việc sếp Hàn Quốc ném sản phẩm lỗi vào mặt nhân viên Hàn là bình thường. Họ thật sự cục súc chứ không mềm mại, lãng tử như phim. Người xứ sở Kim chi sống với nhau trong một xã hội có phần khắc nghiệt với mức tự sát thuộc loại cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, cách người Hàn Quốc làm việc thật sự toàn tâm toàn ý. Một CEO Hàn Quốc từng đưa ra ví dụ:

“Nếu tôi gọi anh người Việt dời chiếc ô tô này sang bên kia, hai ngày sau chiếc xe vẫn nằm đó vì anh ta nói rằng xe mất chìa khóa. Nếu tôi đưa anh ta chìa khóa, ngày hôm sau xe vẫn ở đó vì hết xăng… Còn một người Hàn sẽ giải quyết bằng cách gọi rất nhiều người đến khiêng xe đi chỉ sau một tiếng”.

Chuyện này chúng ta phải học hỏi họ. 

Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 1)
Ảnh: Samia Liamani | Unsplash

Về việc vui chơi, người Hàn y như người Nhật, tránh rủ họ uống bia. Dù hai đất nước sát cạnh nhau và có nhiều nét tương đồng, nhưng người Nhật có lẽ vẫn dễ chịu và dễ hiểu hơn.

Dù sao, chỉ Việt Nam với Việt Nam thôi cũng đủ phức tạp. Nhưng cuộc sống là sắc màu và đa dạng. Vì vậy còn nhiều kiểu đồng nghiệp nước ngoài khác nữa, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm ở bài viết tiếp theo.

Nói xấu những đồng nghiệp nước ngoài (phần 2) | Sloth
Người Nhật xem việc ngủ gật trong lúc làm việc là bình thường. Người Hàn có thói quen uống tới say bí tỉ với đồng nghiệp sau giờ làm. Người Ấn Độ lại dễ bị xúc động khi thành quả của họ làm ra không được đánh giá cao… Còn nhiều khác biệt văn hóa nữa mà bạn sẽ phải làm quen…
Nói xấu đồng nghiệp Việt Nam | Sloth
Nhìn chung, người Việt Nam chăm chỉ, khéo léo, thông minh, chịu thương chịu khó… ít có dân tộc nào hoàn hảo, giỏi giang mà lại còn khiêm tốn như chúng ta 😂 Nên gần như không có nhiều điểm xấu để nói, chỉ có chút chưa hoàn hảo nhưng sẽ sớm hoàn hảo thôi.