Người Việt đôi khi đi làm và bực mình với chính người Việt. Nhưng khác với nói xấu Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những gì chúng ta yếu kém có vẻ mờ nhạt hơn vì nó xảy ra thường xuyên và quen thuộc, đến nỗi nhiều lúc chẳng buồn nói nữa. Dù sao, cũng không có gì to tát kiểu như cơ thể đầy mùi, cục súc với nhân viên, ngủ trên bàn làm việc… Chúng chỉ có thể là…
Cơ bản hoàn thành
Người Việt có tật xấu dai dẳng, đó là bàn giao cho người khác hoặc đối tác một sản phẩm chưa hoàn hảo. Chắc chắn bạn từng hoặc sẽ nhận căn hộ và khi vào ở đèn tắt vài bóng, nước rò rỉ, sàn bong tróc… chỉ trong tuần đầu tiên. Vấn đề nằm ở chỗ các anh xây dựng xem chuyện này là đương nhiên và cần thêm thời gian để hoàn thiện dù sản phẩm đã trao đi.
Tất cả thường được chấp nhận với khái niệm chính thức báo chí vẫn hay dùng “Cơ bản hoàn thành”. Công trình X cắt băng khánh thành đã cơ bản hoàn thành. Đọc đến đây mọi thứ đều mù mờ. Vậy cái gì hoàn thành còn cái gì chưa hoàn thành? Chuyện đó không quan trọng, câu này nói rằng: Trong công trình này chúng tôi đã hoàn thành được cái gì đó, nhưng nhìn chung vẫn chưa sử dụng được, tuy nhiên ăn mừng được.
Hãy lấy ví dụ đơn giản: Bạn đặt may một bộ đồ dạ hội. Đến hẹn, chủ tiệm hoan hỉ thông báo mọi thứ đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn thiếu nút áo và dây kéo quần. Nghĩa là bạn có thể nhìn thấy thứ mình muốn, dù để mặc đi đến buổi tiệc hơi bất tiện, phải túm trên túm dưới. Nhưng bạn cũng không đến nỗi khỏa thân. "Cơ bản hoàn thành" xảy ra như thế.
Làm công việc mình không thích
Một trong những lý do của việc cơ bản hoàn thành có thể là cơ bản… không thích. Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành.
Hãy thử tưởng tượng, bạn đến ngân hàng và làm việc với cô nhân viên giao dịch đang mơ màng về những bước chân trên sàn catwalk, chị kế toán trong công ty muốn trở thành KOL post tám nội dung mỗi ngày chưa kể trả lời comment… Tất cả đều dang dở, kém quan trọng so với ước mơ trong đầu họ.
Tuy nhiên, mọi thứ trên đời đều không dễ dàng. Có thể bạn ôm giấc mộng “lấy đại gia”, nhưng nếu “lấy đại gia” là một nghề, nó khó hơn cả làm giám đốc tài chính. Dù vậy, những giấc mơ như thế vẫn vương vấn khắp nơi và trong lúc chờ đợi nó xảy ra, những người không liên quan đành chịu đựng.
Giờ cao su
Nó cực kỳ phổ biến và gây khó chịu với những ai không dùng loại thời gian này. Tuy nhiên, nhìn qua nhìn lại, không chỉ chúng ta, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng dùng giờ cao su như thế. Khái niệm thời gian không cố định, chúng co giãn phù hợp với… người đi trễ.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều công việc đòi hỏi bạn phải dành đủ thời gian mới có thể làm tốt được.
Sếp nhờ vả nhân viên
Không hiểu sao chuyện này phổ biến trong giới Việt Nam chúng ta thôi. Những người Mĩ, Pháp, Hàn… thường tự làm.
Những việc được sếp lớn sếp bé nhờ đến vô cùng trọng đại, kiểu như xuống lấy giúp đồ ăn trưa, nhận giúp hàng mua online, mua cà phê… Nếu chúng ta không làm, tất nhiên sếp không có đồ ăn trưa họ sẽ chết hết.
Văn phòng tâm linh
Chuyện này cũng chỉ xảy ra với giới Việt Nam chúng ta thôi. Khi công việc bắt đầu trục trặc, kinh doanh trì trệ chẳng hạn. Thay vì họp bàn với những người thông thái nhất, công ty lại triệu hồi các nhân viên khuất mặt khuất mày trong văn phòng để giải quyết. Những người nhận mức lương nải chuối, bình hoa bèo bọt và chỉ mong được siêu thoát.
Điều buồn cười ở chỗ công ty đầu tư, chứng khoán, thiết kế… Mọi người có thể nói về tầm nhìn vời vợi của Warren Buffett, sự vi diệu của Philippe Starck… nhưng dựng tượng ông địa, thần tài, tỳ hưu, những nhân vật cứ cười cười một cách bí hiểm và hoàn toàn xa lạ với thị trường.
Trên đây là những gì chưa hoàn hảo lắm của chúng ta khi đi làm, những gì có thể bị người nước ngoài nói xấu. Các đặc tính này chung chung, không quá cụ thể và không khó để đối mặt. Dù sao như ở phía trên, ít có dân tộc nào thông minh, xinh đẹp, giỏi giang mà lại còn khiêm tốn như chúng ta 😃
Và như những con người bình thường, tập thể bình thường, chúng ta lại có các nhóm riêng chứa đựng ít nhiều tật xấu nho nhỏ mà người nước ngoài không bao giờ biết được. Nhưng đó là một phần khác, những bí mật khác.