Hội chứng Ghét công việc

Ai cũng có những người bạn luôn than thở buồn chán về các đồng nghiệp độc hại hoặc bà sếp dở người khó tin. Dù bài hát lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng buổi hòa nhạc không bao giờ kết thúc. Đôi khi không phải bạn chúng ta hát thì người hát lại là chính chúng ta. Chiếc mic chuyền từ tay này sang tay khác.

Thực tế, công việc diễn ra năm ngày một tuần và chúng ta đều phải đi làm, bởi vì chúng ta đều cần… ăn… ngon… một chút. Thế là đau khổ nảy sinh. 

Tại sao chúng ta bị công việc ghét (theo cách tích cực)?

Có rất nhiều lý do. Đầu tiên phải nói rằng đi làm thông thường khó. Việc phải rời khỏi chiếc giường êm ái vào buổi sáng sớm mang đến nhiều day dứt.

Sau đó đến công ty biết bao điều có thể xảy ra.

Hội chứng Ghét công việc
Ảnh: Thomas Lefebvre | Unsplash

Những đồng nghiệp nhiều chuyện, những đồng nghiệp vô duyên hết thuốc chữa, những đồng nghiệp vô duyên còn thuốc chữa, những đồng nghiệp lười biếng…

Công việc ngập đầu không biết khi nào kết thúc, công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, công việc phải trả lời tin nhắn lúc 10 giờ đêm trong 50 nhóm chat khác nhau…

Những khách hàng điên rồ đòi hỏi, những khách hàng không biết điểm dừng, những khách hàng cục súc, những khách hàng tăng động…

Bà sếp kì lạ không thấy dùng não bao giờ, anh sếp rảnh rảnh lại quăng ra ít thính cũ mèm, anh sếp vô duyên như đồng nghiệp…

Tất cả những điều trên.

Hội chứng Ghét công việc
Ảnh: Ephraim Mayrena | Unsplash

Công việc mơ ước sẽ như thế nào?

Đó là một vị trí cao cao, lương xài đến ngày cuối tháng mới chịu hết.

Những đồng nghiệp xinh đẹp, duyên dáng, tốt bụng. Cuối tuần không gặp lại thấy nhớ nhớ.

Công việc vừa phải. Bốn giờ rưỡi hơn đã bị đuổi về, cảm thấy thật luyến tiếc.

Những khách hàng tốt bụng hiền lành, đưa gì cũng duyệt, không dám mở miệng cãi câu nào.

Anh sếp đẹp trai dí dỏm hài hước vô cùng. Cuối tuần không gặp lại thấy nhớ còn hơn đồng nghiệp.

Tất nhiên đó là mơ. Chúng ta chỉ có thể đạt được một hoặc hai trong số đó. 

Hội chứng Ghét công việc
Ảnh: Mimi Thian | Unsplash

Làm gì với thực tế?

Làm theo câu nói kinh điển: Chấp nhận thực tế.

Chúng ta có nhiều đồng nghiệp, họ vô duyên nhưng hiếm khi vô duyên toàn bộ cả công ty. Khách hàng cũng vậy. Có người này và có người kia. Anh sếp thả những câu thính cũ mèm không sao, hãy nhớ đến ai đó chưa biết thính là gì trong đời…

Ngoài ra, việc kết nối với mạng xã hội cũng có thể khiến bạn hiểu lầm rằng mọi người đi làm đều hạnh phúc trừ bạn. Hãy nhớ rằng những gì được đăng trên internet thường là phiên bản đã được sàng lọc bớt thực tế.

Trên LinkedIn, bạn sẽ không thấy hình ảnh ai sầu thảm hay đập máy tính cả. Phần giới thiệu họ cũng không ghi “Hãy cứu tôi, sếp tôi vô duyên quá”. Mọi người đều là phiên bản chuyên nghiệp, vui vẻ và dễ chịu.

Dù vậy, việc nghỉ làm không phải là điều đáng sợ, chỉ cần giảm áp lực của nó.

Hội chứng Ghét công việc
Ảnh: Nick Fewings | Unsplash

Hãy tìm hiểu về nền kinh tế Gig. Nơi những người lao động không còn làm một nghề và cho một công ty duy nhất nữa. Hiện tại ở Việt Nam, có đến 53% nhân viên trí thức đã tham gia vào khái niệm làm việc này. Không có gì bất thường, nếu nhìn xung quanh bạn dễ dàng thấy chị kế toán nhưng lại là cô giáo yoga, thiết kế và làm bánh, nhân viên bán hàng và chủ shop online…

Hãy suy nghĩ kỹ về những gì mình muốn ở công việc, tuy nhiên nếu không có bất kỳ niềm vui nào vào buổi sáng trong tuần, hãy hành động, bởi vì cuộc đời rất ngắn.