Mọi người đều muốn được hạnh phúc trong công việc. Chuyện này làm các nhân viên văn phòng vui vẻ và sống lâu hơn trong chính văn phòng đó. Nhưng điều gì khiến mọi người hạnh phúc ở nơi làm việc? Dưới đây là các yếu tố khá lộ và yếu tố ẩn mình đóng góp vào khoa học về hạnh phúc ở nơi làm việc.
Niềm hạnh phúc nhất khi đi làm?
Đối với những người quản lý, đó là một nơi chốn bạn có thể cống hiến, tận hiến, được ghi nhận, thỏa đam mê, lập kỳ tích… Nhưng sự thật hơi phũ phàng, theo báo cáo của World Happiness Report những nhân viên văn phòng khi được hỏi đều ngại ngùng trả lời: “Dạ lương…”
Những đam mê tận hiến cao đẹp không được đề cập tới mấy.
Một người sếp tốt
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: người sếp có năng lực là một trong những yếu tố quan trọng để đi làm và hạnh phúc. Bao gồm cả năng lực nhìn nhận khả năng, xác định lợi ích xứng đáng kèm theo cho người lao động.
Nhưng sếp cũng là vấn đề bị phàn nàn nhiều nhất sau lương. Những gì chúng ta gọi là quản lý đôi khi được hiểu như việc gây khó khăn cho mọi người trong việc hoàn thành công việc của họ.
Dù sao, nếu bạn nghĩ sếp của mình ngu ngốc, hãy nhớ rằng: bạn sẽ không có việc để làm nếu ông/bà này thông minh hơn một chút.
Tìm được đồng đội
Đi làm khác với đi học, có những ngày công việc như một trận chiến. Nếu đồng đội tốt bên cạnh, bạn yên tâm khi chiến và được an ủi khi chẳng may thất bại. Chuyện này còn rõ ràng hơn nữa vào cái ngày bạn quyết định gửi mail xin nghỉ và ngày bạn bước chân vào thử việc ở một văn phòng mới.
Những đồng nghiệp hài hước
Nhiều yếu tố bị đánh giá thấp chỉ bởi vì người ta không thể kiểm soát chúng. Thông thường, cấp quản lý thích tổ chức nhiều buổi team building rã rời trên bãi biển, chơi những trò chơi ngớ ngẩn… Nhưng đôi khi, các bạn trẻ cảm thấy thích đi làm với lý do đơn giản, nơi đó có những đồng nghiệp chỉ cần nhìn mặt đã thấy hài. Bởi vì trong ngày, rất nhiều thứ chỉ cần nhìn đã thấy hãi.
Niềm vui theo nghĩa thật thà này làm mọi người trải qua ngày nhẹ nhàng hơn, văn phòng đầy ắp tiếng cười. Ai mà không muốn đến một nơi để cười không nhặt được mồm cơ chứ.
Tuy nhiên việc tìm kiếm một nhân viên hài hước xem ra khó hơn tổ chức team building trên bãi biển cùng những trò chơi ngớ ngẩn.
Những buổi ăn vặt
Truyền thống này có trong văn phòng Việt Nam hơn ở nước ngoài, nơi mọi người thích quây quần vào buổi xế chiều. Các hoạt động team building trước đó diễn ra rộn rã không kém, bao gồm hội ý nên ăn món gì, nên ăn bao nhiêu món và ai sẽ là người đặt mua…
Hậu quả là ở một số công ty khi vào làm, chắc chắn bạn lên ký chỉ sau hết thời gian thử việc. Tuy nhiên, những khoảnh khắc này mang lại năng lượng tích cực cho tất cả.
Dù sao, đi làm là việc cả đời. Ngày nào bạn chưa thấy tên mình trên danh sách của Forbes thì bạn vẫn phải đi làm. Hãy tìm kiếm cho mình những niềm vui có thể. Bởi vì khi nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy nhiều người có MBA, ACCA, PhD… nhưng lại không có JOB.
Một danh nhân văn hóa đã nói câu đầy đủ như sau: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Ngày trước còn đi học, có thể chúng ta chưa hiểu vì sao cần cả “anh dũng”, nhưng hôm nay, mọi thứ rõ ràng hơn. Bạn đã biết ai nói câu này rồi chứ?