Nếu như bạn đã biết những thói quen kỳ lạ công sở của người Nhật, người Hàn, Ấn Độ ở bài viết trước, lần này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những dân tộc khác nhé.
Làm việc với người Philippines
Người Việt Nam đã quá biết những cơn bão từ tháng 9, tháng 10 trở đi. Chúng thường quét tan hoang Philippines trước khi suy yếu ít nhiều rồi đổ bộ vào nước ta. Nếu Philippines không chắn phía trước, hẳn Việt Nam sẽ thiệt hại nhiều hơn những gì đã diễn ra. Đất nước này cũng không được ổn định lắm, vì vậy ngay trong thủ đô Manila của họ, có nhiều khu ổ chuột như quận 4 cách đây vài chục năm.
Người Philippines làm thuê khắp thế giới, từ những CEO quyền lực cho đến rửa chén bát trong nhà hàng, người giúp việc, lao động phổ thông… Tiền kiếm được hầu hết gửi về quê nhà giúp đỡ gia đình. Bạn nghe quen quen đúng không? Đây là đồng nghiệp nước ngoài chúng ta sẽ gặp nhiều nhất ở Việt Nam.
Động lực đi làm lớn, người Philippines chăm chỉ, cần cù, có người cực kỳ chuyên nghiệp nhưng cũng có người không. Họ làm theo lời sếp răm rắp trong khi người Việt có xu hướng phản ứng lại nếu phải làm những yêu cầu mà chúng ta cho là không đúng. Ở mặt này, họ không đủ mạnh mẽ như kỳ vọng nhưng giữ được công việc cần thiết. Người Philippines còn thêm tật xấu hơi lạ: người có chức vụ sẽ tìm cách giúp đỡ đồng hương, tạo công ăn việc làm cho nhau dù người kia chưa đủ khả năng đi chăng nữa. Chuyện này đôi khi gây ra không ít phiền phức cho người Việt.
Nhìn chung ở mức độ nhân viên đi làm bình thường, họ là những người dễ mến, hòa đồng.
Làm việc với người Mĩ
Nước Mĩ có GDP cao ngất ngưỡng và tạo ra sản phẩm hiệu quả nhất hành tinh, tất cả không phải do may mắn. Đó là đất nước tư bản.
Tư bản đề cao kết quả và hướng đến thành tích ngày càng tốt hơn. Vì vậy, khi làm việc cho họ, bạn bắt buộc phải cạnh tranh. Làm thêm giờ, cố gắng đạt được mục tiêu bằng mọi giá. Tất nhiên, khi thành công đến, tiền cũng đến theo để chữa lành, xoa dịu tất cả.
Thuật ngữ “bán mình cho tư bản” là có thật.
Có sự may mắn trong nhất định khi làm việc với Mĩ. Những người này đặt ra mục tiêu, nhưng họ không quan tâm đến cách làm. Quả bóng lúc này được đá sang phía chúng ta. Nếu một người Việt tốt nhận bóng, mọi thứ hợp lý dễ chịu. Nếu đó là một đội trưởng tệ hại quá ham muốn ghi bàn… Cái giá của việc bán mình cho tư bản cần phải xem lại.
Làm việc với những người châu Âu
Họ gồm những dân tộc khác nhau và mang phong cách cũng khác nhau. Chúng ta chỉ cần điểm qua những nét chính.
Người Pháp:
Thật sự người Pháp khá chi li, kỹ càng trong mọi thứ hơn là vẻ bề ngoài lãng mạn hào hoa của họ. Họ cũng có thể đóng máy tính và biến mất theo luật “ngắt kết nối” của Pháp nhưng lại áp dụng triệt để ở Việt Nam. Nếu người Pháp xem bạn thân thiết như cộng đồng với họ, họ sẽ bắt đầu… hôn bạn. Tất nhiên đó là nụ hôn xã giao chứ không phải ngấu nghiến, hôn má 3 lần và đôi khi đập đầu vào nhau do trùng bên. Nên tốt nhất bạn cứ hãy để người Pháp bắt đầu trước.
Người Đức
Khá giống công ty nhà nước nhưng đầy tính kỷ luật. Những đồng nghiệp Đức xem trọng việc đúng giờ, đúng deadline và tôn trọng vai trò của tổ chức, cơ cấu. Họ cũng đề cao tính minh bạch, giải trình mọi thứ thật rõ ràng. Tuy nhiên, điều buồn cười ở chỗ trong một công ty Đức, có thể bạn phải ăn bánh sinh nhật trong lúc làm việc trên bàn của mình và dán mắt vào màn hình.
Người Anh:
Có một phần giống Đức, họ tôn trọng giờ giấc, nền tảng, trật tự. Đôi khi bạn sẽ thật bất ngờ trước sự cục súc của người Anh. Tuy nhiên đừng lấy làm buồn, người Anh đề cao sự thẳng thắn, nhanh chóng làm cho đối phương hiểu rõ ý định của mình chứ không phải cục cằn thô lỗ. Những đồng nghiệp Anh sẽ rất vui nếu bạn nói về âm nhạc, nhất là âm nhạc của đất nước họ. Nhưng chuyện đá bóng, giải ngoại hạng Anh, bạn nên cẩn thận vì người Anh thật sự mất đi chút ấn tượng nếu bạn ủng hộ câu lạc bộ đối thủ.
Ngoài ra, những dân tộc khác như Hà Lan rất dân chủ trong quan hệ đồng nghiệp, New Zealand làm nhưng chill nhiều hơn, người Ý lầy lội ngay cả trong công việc… Rất nhiều cá tính khác nhau mà nếu thấy ở người Việt chúng ta sẽ ít chấp nhận hơn. Có một sự cởi mở hào phóng nhất định dành cho người nước ngoài đến đây.
Sau cùng, chúng ta dành thời lượng rất nhiều trong cuộc sống cho công việc. Khách hàng nuôi ta khôn lớn nhưng đồng nghiệp giúp ta lớn lên vui vẻ hơn. Văn hóa làm việc cũng không phải thứ cố định mà dựa trên hành vi của những người ở đó. Cho dù có sự khác biệt đáng kể nhưng hãy tin rằng người Việt thật sự khéo léo. Chỉ cần bạn tập trung đúng mức và hành xử chuyên nghiệp, có thể những đồng nghiệp nước ngoài với khác biệt văn hóa kia vẫn chưa thể yêu mến bạn, nhưng chắc chắn họ tôn trọng.