Trong cuộc đời đi làm, đôi khi bạn sẽ gặp phải người sếp bị rối loạn chức năng quản lý. Vì vậy thay vì tìm hiểu thị trường, gửi email cho khách hàng… bạn phải đón con thay sếp, mang cơm đến cho mẹ sếp vì bà ấy không có chân, đặt cơm trưa cho sếp vì ông ấy không có tay...
Ngạc nhiên thay, nếu bạn không hài lòng thì luôn có ai đó chỉ mong được làm thế. Những người này thậm chí lảng tránh việc công ty, chỉ muốn nhận nhiệm vụ đến từ chiếc miệng xinh xắn quyền lực kia mà thôi. Điều ngạc nhiên tiếp theo là loại người này đang hoặc sau cùng, sẽ nhận được một vị trí nào đó.
Trong thế giới văn phòng, việc bị sa thải hoặc dậm chân tại chỗ rất thường tình. Thăng quan tiến chức mới hiếm hoi. Một số người bắc sẵn cái thang, luôn tìm kiếm bất kỳ cơ hội và trực giác mách bảo cho họ biết rằng nịnh hót có thể làm thay đổi cục diện ngoạn mục.
Còn với nhiều người quản lý, cái tôi lớn làm lu mờ trí thông minh ít ỏi. Họ không thể trở nên miễn nhiễm trước những tình huống ngọt ngào bay bổng kia.
Tác dụng của nịnh hót
Ngay cả những chiêu thức rõ ràng nhất cũng đầy hiệu quả.
Trời không cho không lấy không của ai bao giờ, vì vậy chúng ta không thể làm với người sếp đầy tài năng, thông minh, đẹp trai mà lại còn hài hước. Tuy nhiên, sẽ luôn có ai đó cười ha hả trước sự duyên dáng khiêm tốn của ông ấy, không chút gượng gạo mặc cho những người còn lại méo mặt. Thực tế, nhiều trò đùa khiến chúng ta muốn… khóc. Vì vậy, cười được cũng không dễ.
Đôi khi các tình huống lộ rõ hơn, ăn mặc giống sếp, lặp lại những gì sếp nói mọi nơi mọi lúc. Thậm chí lo từng bữa ăn, tìm cách ngồi bên cạnh trong các buổi tiệc tập thể, nhanh nhảu gắp chiếc phao câu chẳng hạn.
Dù cho hai bên đều biết chuyện gì đang xảy ra, việc bợ đỡ chút ít vẫn có hiệu quả. Bởi vì ngay cả những giám đốc điều hành cũng muốn cảm thấy tốt về bản thân mình. Hoặc sự nịnh hót của người này có thể chỉ là phép lịch sự thông thường đối với người khác.
Trong nhiều tình huống, cần phải nhấn mạnh thực tế rằng chỉ làm việc giỏi thôi là chưa đủ. Business là một trò chơi và để tiến lên, bạn phải biết cách chơi. Một vài người hiểu được điều đó.
Những hậu quả
Tất nhiên những chuyên gia nhân sự không khuyến khích chúng ta theo đuổi các chiến thuật như thế. Ngay cả khi sếp may mắn làm được điều gì hoành tráng, cũng cần sự duyên dáng và tinh tế để lời khen ngợi trở nên không quá ly kỳ.
Điều rõ ràng nhất bạn có thể thấy ở những người nịnh hót là hội chứng “cún con”. Họ luôn trong tư thế vẫy đuôi, háo hức để làm hài lòng người quản lý bất kể điều gì.
Tuy nhiên, sẽ thật chán chường khi bạn bước vào tuổi bốn mươi mà vẫn còn là chú cún. Xây dựng sự nghiệp xung quanh việc vẫy đuôi không phải cách bền vững bởi vì chúng ta thường làm với nhiều người sếp khác nhau trong đời. Một trong số họ có đôi mắt mở và những lằn ranh, chiếc đuôi nhỏ gây khó xử ở văn phòng.
Cuối cùng, trong công ty không chỉ có mỗi sếp. Để thăng tiến, bạn phải thể hiện phẩm chất lãnh đạo của mình đối với đồng nghiệp, cấp dưới chứ không phải cấp trên. Vì vậy trót nịnh hót, hãy nhân tiện công bằng luôn những người xung quanh, vẫy đuôi với tất cả khi còn đủ sức.
Nịnh bợ, lấy lòng, xã giao… là hiện tượng đầy thách thức trong cuộc sống. Về mặt kỹ thuật, đôi khi khó phân biệt được sự khác nhau nhưng người trong cuộc luôn hiểu. Sử dụng hoặc ưu ái điều đó đều mang đến những lợi ích hoặc hậu quả lâu dài (ít nhất là 5%). Khó khăn nằm ở chỗ không có thước đo hay sự cấm đoán nào cả, chúng ta phải tự quyết lấy.
Trường hợp bạn chọn không mọc đuôi nhưng lại rơi vào một môi trường như thế, đừng nao núng. Một nghiên cứu của Linkedin cho biết gần 80% những người quản lý không có năng lực theo đủ kiểu khác nhau. Vì vậy, rời bỏ văn phòng vớ vẩn này để đi đến văn phòng độc hại kia cũng không phải giải pháp. Hãy thích nghi và vượt qua.