Có người sợ thứ Hai, có người buồn từ Chủ Nhật. Nhưng theo khoa học, thứ Tư mới là thảm họa. Kiểu như qua được hai ngày đầu tuần đã thấm mệt trong khi thứ Sáu hãy còn rất xa.
Vì vậy, người ta quyết định gọi thứ Tư là "ngày lạc đà”.
Hình ảnh con "lạc đà" thôi đủ diễn tả nỗi cơ cực: Gánh vác nặng nhọc, hì hục băng qua sa mạc, nhai miếng xương rồng lót dạ, uống chút xíu nước gọi là... Cuộc đời đi làm y như thế, vui ít buồn nhiều, lương ít việc đông...
Tại sao thứ Tư lại là ngày “ngày lạc đà”?
Một số người lao động vất vả trong lúc rảnh rỗi đầu óc đã ví tuần làm việc như ngọn núi khổng lồ chúng ta phải leo với thứ Tư là đỉnh. Qua được mốc này, bạn có thể thoai thoải xuống dốc ở thứ Năm và thứ Sáu…
Thuật ngữ “ngày lạc đà” đến từ đâu?
Thứ Tư "lạc đà” được cho là bắt đầu từ Mỹ sau đó cả thế giới đồng cảm chia sẻ nhiệt tình. Cũng giống như nhiều thuật ngữ khác, không ai chắc chắn nguồn gốc chính xác, nhưng quan trọng là nó mang lại sự an ủi sâu sắc.
"Ngày lạc đà” thông thường được sử dụng ở phương Tây theo ý nghĩa tích cực, kiểu như “Cố lên Chiaki!”, tìm kiếm sự nhẹ nhàng, thanh thản rằng chúng ta đã đi qua được một nửa tuần làm việc vất vả. Ngày thứ Sáu thần thánh sẽ đến nhanh chóng và có thể mong chờ nó từ lúc này.
Ngày lạc đà có luôn là thứ Tư không?
Thiên nhiên thật lắm chuyện.
Đã có lạc đà một bướu lại còn sinh thêm lạc đà hai bướu.
Công việc của bạn cũng vậy, vô thường.
Nếu bạn có một tuần bình thường trước mắt, thứ Tư có thể gọi là Ngày Lạc Đà Một Bướu.
Đôi khi chúng ta không may mắn vào thời điểm nào đó thế là đành chấp nhận Ngày Lạc Đà Hai Bướu. Bướu thứ nhất nằm ở thứ Ba và rơi tự do trước khi hì hục bò lên bướu hai ở thứ Năm… Một tuần vất vả.
May mà không có con lạc đà ba bướu.