Cụ cao tuổi nhất sẽ vào khoảng 130 năm trong khi những người còn lại ngót nghét hàng trăm. Vào thời kỳ đầu, họ thanh lịch gọn gàng hơn so với ngày nay. Tuy nhiên, khi chúng ta càng đông đúc hơn, họ dần đầu bù tóc rối, đến nỗi ngày nay trông như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hơn những đường dây dẫn điện đơn thuần.
Di sản của CEE đến đặc sản Sài Gòn
Công ty điện đầu tiên ở Sài Gòn – Société d'Électricité de Saigon – được thành lập năm 1896. Lúc đó, điện chỉ được cung cấp cho khu trung tâm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, đến khu vực Ngân hàng Nhà nước... Société d'Électricité de Saigon dựng những cột lưới thép nhỏ gọn, nhưng thiết kế khoa học đó vô cùng vững chãi trước bão giông.
Sau này, công ty được mua lại bởi Compagnie des eaux et d'électricité d'Indochine (CEE) năm 1909 – đơn vị mở rộng hệ thống điện đến khắp Sài Gòn và cũng là người “đỡ đầu” cho hàng trăm cụ già gân thép xuất hiện khắp mọi ngõ ngách.
Đến năm 1954, người Pháp rời đi. Vì lý do nào đó ngành điện từ 1975 đến nay chuyển sang cột bê tông. Dù vậy, các cụ thép khỏe khoắn vẫn trụ vững với thời gian, gánh vác trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn.
Những tác phẩm cổ điển còn lại trên đường phố
Hãy thử tưởng tượng, khi cụ già đầu tiên ra đời vào những năm 1900, dân số Sài Gòn khoảng 50.000 người so với hơn 10 triệu lúc này.
Từ những người chỉ mang vài sợi trên vai, ngày nay nhiều trong số các ông cụ thép quá tải với vô số dây điện, cáp viễn thông chằng chịt khác nhau. Số lượng tóc tai rối rắm này vượt xa khả năng thiết kế ban đầu nhưng các cụ vẫn ra sức hỗ trợ, không lúc nghỉ ngơi, không được chải lại mái đầu dù chỉ một lần. Kết quả là nhiều trong số họ biến thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo bị lãng quên nơi góc đường, không còn hình ảnh của hạ tầng đô thị một thời nữa.
Sự nhẫn nại cần mẫn của các cụ qua năm tháng không gì có thể đền đáp. Hãy thử tưởng tượng một ngày, ai đó trong họ ngứa ngáy quyết định và… hất tóc sang một bên.
Những cụ già còn sót lại...
Trải qua thời gian dài, các cụ trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày. Người dân xung quanh nhân tiện nhờ vả đủ thứ việc lặt vặt như mang giúp bảng quảng cáo, treo dù, giữ xô nước, vỏ xe… Những người già rộng lượng này đều không từ chối.
Ngày nay, sự hiện diện trăm năm của họ dần ít đi. Thành phố hiện đại hơn và người ta không cần đến những cụ ông gầy gò cần mẫn này nữa.
Những cột điện thép còn sót lại, vì thế, không chỉ là một phần hạ tầng. Chúng là nhân chứng sống động của lịch sử đô thị hóa, ký ức sắt thép giữa thành phố đổi thay từng ngày.
Việc biến mất đó phản ảnh không gian cuộc sống hoàn toàn khác biệt trong tương lai, khi chúng ta ở trong một Sài Gòn ít “bù đầu” lại. Nhưng ý nghĩa của những cột điện lâu đời nhất vẫn còn đó. Giống như bạn có một nốt ruồi trên mặt và muốn xóa bỏ, sau này trong lúc rảnh rỗi nghĩ lại, bạn mỉm cười nhận ra rằng dù sao cũng là một nốt ruồi duyên.
