Rất khó để tìm kiếm thông tin về khu chung cư cũ này mặc dù khối nhà thật sự nổi bật với bốn mặt tiền đắt giá: Thái Văn Lung, Nguyễn Siêu, Thi Sách và Cao Bá Quát. Những cư dân lâu đời ở đây gọi tòa nhà của mình là “Chung cư Điện lực”. Nhưng ngay cả khi bạn tìm kiếm từ khóa này trên internet, mọi kết quả đều không dẫn đến đây. Dù sao, hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp yên ả xa xưa nằm giữa những mảng xanh non mới...
Khu vườn treo và những góc cũ
Đi vào những hành lang đầy ánh sáng tự nhiên này, bạn cứ ngỡ mình đang trong một xóm nhỏ dưới mặt đất với các dãy nhà khoảng sân vườn rộng. Hiếm có tòa nhà cũ nào giữa trung tâm Sài Gòn lại có khoảng sân hoặc giếng trời lớn đến thế. Không gian này ngày nay được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng, “lá phổi nhỏ” cho cư dân xung quanh.
Xung quanh, bất kỳ nơi nào cũng để lại một góc nhỏ bạn màu thời gian cho dù phía bên kia bầu trời là những tòa nhà hiện đại lấp lánh của trung tâm.
Nhìn chung, các tầng cao ở đây khá ngoạn mục khi dạo quanh các hành lang, cầu thang lơ lửng bên ngoài, nhưng lại nhẹ nhàng thư thái với phần giếng trời và khu vườn lớn bên trong.
Cà phê với những hàng me xanh
Khu chung cư cũ này bao gồm hai khối nhà, nếu bạn đi vào bằng cổng Thái Văn Lung, trên cao có hai quán cà phê đều ở vị trí khá đẹp để nhìn ra ngoài. Đó là những khoảng xanh nhiều sắc độ của hàng me phía dưới, khoảng không tạo cảm giác mát mẻ ngay cả khi trời đang nóng.
Nếu vào bằng cổng số 4 Nguyễn Siêu, bạn sẽ gặp khu vườn bên trên, một lớp học Barista, vài cửa hàng boutique và một căn nhà thú vị khác...
Gánh cải lương nhỏ trên chung cư cũ
Trong một căn hộ ở đây vào những dịp cuối tuần, một gánh hát nhỏ biểu diễn đều đặn. Cho dù bạn đã đam mê cải lương hay từng thưởng thức cải lương thì ở đây vẫn mang đến cảm giác khác biệt.
Một sân khấu nhỏ giản dị, biểu diễn kiểu đờn ca tài từ Nam Bộ không qua micro hay bộ khuyếch đại âm thanh nào. Có lẽ cải lương hay nhất nên được nghe theo cách này. Bạn sẽ thấy xúc động khi ngồi sát các diễn viên, nghe được hơi thở của họ, cảm nhận độ rung của màn trống, tiếng ngân dài da diết và thấy tận mắt giọt nước mắt lăn dài trong một phân cảnh buồn...
Điểm cộng không thể bỏ qua nữa là ban nhạc của Gánh cải lương Thiên lý chơi rất hay. Bằng cách nào đó, bạn có thể phân biệt được rõ ràng tiếng đàn cò tha thiết làm nền, đàn bầu thả ra những nốt trầm lỏng lẻo trong lúc cây guitar phím lõm chơi cùng giai điệu nhưng thanh âm ở mức cao hơn và cả tiếng đàn kiềm lăn tăn thoáng chốc.
Bởi vì đây chỉ là gánh hát rất nhỏ của những người đam mê cải lương, bạn khó có thể chờ đợi một vở tuồng hoành tráng, quy mô. Kịch bản ở đây thường cô đọng dưới tiếng rưỡi, tập trung vào diễn xuất, các khía cạnh kỹ thuật biểu diễn của cải lương, âm thanh... hơn là kiểu nội dung dài, phức tạp thường thấy. Dù sao, khoảng thời gian ngắn ngủi này thật vừa vặn với loại hình đờn ca tài tử đô thị mới mẻ này. Ngay cả phần giao lưu ấm cúng, gần gũi sau đó cũng là một nét thú vị không thể bỏ qua. Nếu muốn thử, bạn hãy liên lạc với fanpage của gánh đặt vé trước nhé. Không có giá vé cụ thể, điều đó phụ thuộc vào sự hài lòng và mong muốn hỗ trợ của bạn mà thôi.
“Chung cư Điện lực” - Khu phức hợp đầu tiên
Dù không có tài liệu nào nói về lịch sử riêng biệt của tòa nhà 4 - 6 Nguyễn Siêu. Tuy nhiên, dựa kiến trúc bên ngoài, bên trong và công năng hiện nay, đây có thể là phần nối liền của Société d'Électricité de Saigon - Công ty Điện lực Sài Gòn, được thành lập từ năm 1896. Bị chia cắt bởi đường Thi Sách, mặt trước của công ty này nằm ở số 72 đường Hai Bà Trưng, nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam.
Khối nhà nằm trên Hai Bà Trưng hoạt động như một trạm phát điện trong khi khối phía sau (4 - 6 Nguyễn Siêu) đóng vai trò hành chính với các hành lang dài, dãy cột lớn và cửa sổ rộng như các tòa nhà văn phòng thường thấy.
Sau năm 1975, dãy nhà này được chuyển đổi công năng hoàn toàn, cấp cho cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Miền Nam. Hiện nay, những cư dân mới thường phải đóng kín những cánh cửa quá lớn này vì sự riêng tư trên lối đi rộng.
Tầng trên cùng từ trước đến nay luôn là khu vực sinh sống, với hành lang nhỏ hơn, cửa gọn gàng hơn và các ngã rẽ phức tạp.
Ngày nay, trải qua hơn thế kỷ dài, người ta thường nói đến địa chỉ 72 Hai Bà Trưng như trạm điện đầu tiên của Sài Gòn mà bỏ quên tòa nhà đa chức năng không kém phần quan trọng phía sau. Dù vậy, kiến trúc cũ kỹ này vẫn biết cách phản ánh chính nó bằng sự đa dạng hấp dẫn bên trong. Đó vẫn là khu phức hợp nhưng tươi mới hơn với Công ty Điện lực, văn phòng, nhà ở, khu vườn treo, lớp học Barista… và đừng quên một gánh hát cải lương độc đáo. Thời gian không bao giờ trôi qua trong thành phố này, nó chỉ quay một vòng và chúng ta vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ y như cũ, chỉ theo cách thức khác hơn, sinh động hơn đôi chút mà thôi.
Bài viết có sử dụng tư liệu của:
www.entreprises-coloniales.fr
Société d'Électricité de Saigon (1896-1909) fondée par Charles Vezin
