Người Việt chửi thề

Không gì thân thương bằng tiếng chửi thề. Nếu bạn phải làm việc ở đất nước xa lạ lâu ngày, bỗng nhiên nghe được “Đ.M, thằng chó”…Ôi sao gọn gàng, đầy xúc động đến thế, chỉ muốn chạy đến ôm ngay thằng chó kia. Ở Việt Nam, chửi là một phần sôi động của cuộc sống.

Không cầu kỳ với những toan tính sâu xa, người Việt chửi đơn giản, rõ ràng. Đã chửi thường thô tục, phải mỉa mai, kịch tính. Lúc nóng giận chúng ta có hơi hỗn nên nội dung chửi nhiều lúc dính dáng cả phụ huynh hoặc đem hết mấy thứ tế nhị ném vào nhau. Con chó cũng bị lôi ra miệt thị. Tùy thuộc vào biểu cảm và hoàn cảnh, những phong cách chửi khác nhau xuất hiện...

Chửi đổng 

Kiểu chửi tất cả nhưng không chửi ai, không cần ai nghe hay trả lời. “Đ.M cuộc đời! Toàn bọn chó đ*”. Nam Cao thóa mạ cuộc đời bao gồm khá... đông người, nhưng không cụ thể người nào. Còn “bọn” nghe câu này cứ nghĩ “chắc nó chừa mình ra" là được. Người chửi chủ yếu đang bức xúc, không biết đổ vào ai nên gom lại chửi một lần cho tiện. 

Người Việt chửi thề
Ảnh: Tushar Gidwani | Unsplash

Chửi thân, chửi phận

“Cái số mình sao mà trời đánh thế". Thật ra không ông trời nào làm vậy, cùng lắm chỉ mưa ngập đường vào ngày bị sếp mắng thôi. Phép chửi này cũng không cần người nghe và đáp, người chửi chỉ muốn thốt lên sự bẽ bàng, bi đát của số phận, một cách giải tỏa tiếng thở dài trong lòng. 

Chửi qua chửi lại

Loại hình chửi này nhắm đến đối tượng cụ thể, cần đối đáp công phu và linh hoạt:

“Đ.M thằng ch* đ*. Tao ** cả họ nhà mày!”

“Đ.M còn mày chui ra từ *** bò. Tiên sư bố mày lại sợ quá cơ! ”

Người Việt chửi thề
Ảnh: Dmitrii Ivanov | Unsplash

Những câu như “tao ** cả họ nhà mày" nghe rất hăm dọa, báng bổ nhưng chỉ để phát tiết chứ không thực hành được. Dù hùng hổ và khốc liệt nhưng chửi nhau thường ít đánh nhau, ít thù hằn, găm gút. Sau khi giải phóng con thú bên trong bằng lời lẽ bùng nổ, hiếm ai còn sức để làm gì.

Đôi khi người Việt chửi “Đ.M" loạn xạ để thể hiện sự thoải mái buông thả của những ngày buồn chán bạ đâu chửi đó. Nhưng từ xa xưa, các bà các mẹ đã chửi hay như hát, vần vè mượt mà, không văng tục, bù lại tính sát thương rất cao. Tham khảo chuyện “Chửi mất gà”, không hổ danh đất nước ngàn năm văn vở: 

“Tổ cha mày cái đứa đen lòng xanh cật, mặt sấp mo nang, rình ngang rình ngửa bắt gà của bà! Ở nhà bà nó là gà xương gà thịt, về nhà mày nó là thần nanh xanh, mỏ đỏ, nó mổ mắt mày. Ở nhà bà nó là gà gấm gà hoa, sang nhà mày nó là ác cầm ác thú, là cú là cáo, là hổ là báo, vồ cả nhà mày, giày cả nhà mày...” 

Đây là bản chửi miền Bắc, đủ để đứa nghe không kịp chửi lại, bận suy nghĩ.

Người Việt chửi thề
Ảnh: K8 | Unsplash

Bản của người Huế còn trôi chảy hơn, hỏi thăm đủ họ hàng tổ tông, truyền thống cung đình khiến bài chửi nghe như nhã nhạc:

“Cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà xuống… Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng… Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn…”

Những đoạn chửi này bao hàm cả việc rủa, khá phổ biến trong chửi nhau, như kiểu: “Chết m* mày đi!”, “Tổ sư quân keo kiệt cả lò nhà mày ăn không ị”. Mình không mong mẹ nó chết thật, lò nhà nó ị được hay không cũng chẳng quan trọng. Đại khái chỉ rủa sả nó một chút, giải toả phần năng lượng nguy hiểm bên trong.

Người Việt chửi thề
Ảnh: Matthew Nolan | Unsplash

Sự phát triển của chửi thề

Cuộc sống thay đổi, chửi thề đổi thay. Đặc biệt khi mạng xã hội phát triển. Với nhiều không gian và thời gian hơn, các bạn trẻ thêm vào từ điển chửi thề những từ mới: vl, v*i ***, vcl… Các từ ngữ này được hiểu tuỳ theo ngữ cảnh. Vl, v*i có thể chỉ là cảm thán “Ồ, wow, lạ đấy, được đấy", có thể dùng để nhấn mạnh: “ngu vl". 

Một số cụm từ được thay đổi về mặt ý nghĩa để chửi thề lịch sự hơn. Khi ai đó thốt lên “đậu xanh rau má" không có nghĩa là họ cần uống rau má. Hoặc khi một đứa lườm bạn nói “Long Biên" thì bạn nên biết tên tiếng Pháp của cây cầu này là Doumer.

Cùng với đó, chửi văn vở vẫn được sử dụng thường xuyên: “đồ tôm sông sứa biển", “đồ Diệp Hạ Châu" (Diệp Hạ Châu là tên khác của cây Chó Đẻ). Nhìn chung, ông bà có thể tự hào về thế hệ sau.

Người Nhật chửi thề như thế nào? - Sloth
Không dân tộc nào chửi thề phức tạp như Nhật Bản. Có cảm tưởng họ phải suy nghĩ rất lâu, dồn nén bao tâm trạng nỗi niềm, cân nhắc các kiểu rồi hét lên: Phiền phức quá điiiiiii!!!! Và người bị chửi cảm thấy tổn thương vô cùng…

Không phức tạp như người Nhật, không cần một khóa học để tham khảo và vận dụng. Mỗi mét vuông với người Việt đều thích hợp để buông ra những nỗi niềm khó tả. Chửi len lỏi từng ngõ ngách chật hẹp đến biệt thự, penthouse. Chửi có thể ngắn gọn hàm súc, có thể văn chương lai láng… Nhưng sau cùng bạn phải hiểu rằng những người chửi không bao giờ mong muốn những chuyện đó xảy ra. Chỉ là trong khoảnh khắc cuộc sống trắc trở, cả thế giới qua lưng lại và chúng ta buông lời cục súc trong thất vọng với thế giới mà thôi.