Tất nhiên không ai chửi thề kiểu: Đồ đẹp trai, cái thứ thông minh, đồ nóng bỏng…
Bản chất của việc này là cảm xúc bộc phát để được thoải mái hơn, xả hết những năng lượng tiêu cực trong người. Nhưng người Nhật lại khác, mọi thứ dường như rất hạn chế…
Xã hội Nhật và sự phức tạp của chửi thề
Nếu bạn ở Hà Lan, người ta sẽ không chửi “Đ.M”, câu nặng nề nhất là “Đồ ung thư”, “Đồ dịch tả”… Sức khỏe kém làm người Hà Lan khó chịu hơn những vi phạm đạo đức khủng khiếp kia.
Các dân tộc khác nhau sợ những thứ khác nhau. Xã hội Nhật đề cao lòng tự trọng. Vì vậy, không được tôn trọng trở nên thảm họa chứ không phải “ra đường bị sét đánh” hay “ba đời không ngóc đầu dậy nổi”…
Nơi chúng ta nhìn thấy người Nhật chửi thề nhiều nhất thực tế là truyện tranh. Trong Doremon, tất cả các nhân vật đều chửi thề như người lớn, bằng cách sử dụng những từ xấu như “Kuso” hoặc “Chikusho” khi tình huống hoặc cảm giác của họ cho phép. Nhìn chung, chửi thề ở Nhật khá vất vả. Vì vậy trẻ con thường chửi nhiều hơn người lớn, khi chúng chưa cần phải… tự trọng lắm.
Có gì trong nội dung chửi thề của người Nhật?
Chúng ta dễ dàng nghe những lời văng tục trên đường phố Việt Nam, nhưng Nhật thì không. Đừng chửi thề nơi công cộng ở Nhật dù nhiều ý nghĩa trong chúng không quá nặng nề. Sau đây là những nội dung phổ thông nhất bạn sẽ nghe người Nhật áp dụng, ngay cả khi họ đến Việt Nam.
畜生 (Chikusho): “Mọe nó”, “Khốn kiếp”
Chikusho là câu cảm thán thường được dùng để thể hiện sự thất vọng. Kiểu như bạn rớt laptop xuống đất và nhìn nó trân trối: Chikusho! Giời đựu!
クソ ( Kuso ): Cứt!
Giống như Chikusho, nhưng Kuso đôi khi đứng độc lập, đôi khi được ghép chung với danh từ, lúc này nó trở thành xúc phạm. Bạn ngửa mặt lên trời nói “Cứt” rất khác với nhìn chằm chằm ai đó nói: “Anh như cứt”. May là người Nhật không dùng chung với những động từ kiểu như “ăn”.
馬鹿 ( Baka ): Ngu/ngu ngốc
Từ này có dải nghĩa rộng, khi bạn dùng với người yêu mình “Em thật ngốc”, có thể cô ấy sẽ nũng nịu với bạn. Nhưng khi bạn nói với sếp “Ông thật ngu”... Biết đâu ông ấy cũng nũng nịu, baka là thế.
黙れ (Damare): Câm đi!
Như đã nói ở trên, nếu bạn là người Nhật, ai đó nói bạn “Câm mồm!”, nó thật sự xúc phạm. Kiểu như người ta đang mắc nói…
うざい ( Uzai) : Phiền phức quá!
Những từ dạng này không có ý nghĩa tiêu cực lắm ở nước ta. Nhưng đối với Nhật, trở thành mối phiền phức thật thảm họa. Nếu muốn nhất mạnh tính “chửi thề” hơn, bạn có thể thay chữ “e” dài ra phía sau: Uzee!!! (Đậu, mắc mệt!)
ブス (Busu): Con mụ xấu xí
Buso có nghĩa người Nhật muốn nói đến xấu vật lý và nhìn chung là xấu lắm. Tiếng Việt tương đương với: “Con mẹ xấu ói”. Kiểu xúc phạm thẳng thừng như vậy trên thực tế lại nặng nề hơn “Đậu xanh rau má” chung chung rất nhiều.
手前 (てめえ/ Teme e): Cái thằng khốn này
Đối với đàn ông, người Nhật có thể dùng “Teme e”, bạn sẽ thấy từ này trong truyện tranh nhiều hơn ngoài đời thực. Bởi vì nó là sự xúc phạm, không tôn trọng ghê gớm. Thật khó để dịch, có thể là “Thằng mặt lờ” trong bối cảnh bạn nói trực tiếp với người đối diện. Ngay cả chúng ta cũng không thường làm như thế với nhau, cực kỳ nguy hiểm.
Đó là những gì người Nhật thường “chửi”. Cho dù khi hiểu ý nghĩa, bạn có thể thấy chúng… thường thôi. Nhưng hãy đặt vào bối cảnh. Nhật Bản là xã hội kiểu bạn phải nghe những gì không được nói ra, huống chi nhìn nhau mà nói, nói trực tiếp đến nhau, có một ý định rõ ràng khi nói. Lúc này, mọi thứ nghiêm trọng.
Khác với chúng ta, nói nặng nề, nhưng đôi khi chẳng có ý định gì. Dù sao, người Nhật cũng không thể nào sánh với người Việt về sự phức tạp của việc chửi thề. Nó muôn hình vạn trạng và bạn sẽ đọc ở bài viết sau.